Sự kiện hot
2 năm trước

VDSC: Giá nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng đến triển vọng thương mại

Theo VDSC, do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt, xấp xỉ 2 tỷ USD trong tháng 2/2022. Mức thâm hụt này cao hơn cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021 đến nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng xuất khẩu cải thiện trong tháng 2/2022

Theo báo cáo vĩ mô được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cập nhật mới đây được biết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ trong tháng vừa qua.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục cải thiện lên 15,5% so với cùng kỳ trong tháng 2/2022, cao hơn mức tăng 8,1% trong tháng 1/2022. Theo tháng, kim ngạch xuất khẩu giảm 24,1%, chủ yếu do ảnh hưởng của thời gian nghỉ lễ Tết nguyên đán.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu ghi nhận mức tăng mạnh hơn, tăng 22,3% so với cùng kỳ (so với mức tăng 11,3% trong tháng 01/2022). Tính chung hai tháng đầu năm, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam lần lượt tăng trưởng 11,2% và 16,1% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Cũng theo VDSC, mặc dù tăng trưởng thương mại của Việt Nam vẫn đang là điểm sáng của bức tranh kinh tế, IMF mới đây cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo cập nhật vào tháng 4 tới. Cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina và các lệnh trừng phạt giữa Nga với phương Tây nhiều khả năng sẽ khiến cho thương mại toàn cầu sụt giảm, từ đó, gián tiếp ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

VDSC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 15-18% trong năm nay, tuy nhiên, giá hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn nguồn cung có thể khiến cho cán cân thương mại đảo chiều sang thâm hụt nhẹ trong cả năm 2022.

Giá nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng đến triển vọng cán cân thương mại

Báo cáo cũng chỉ ra, do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt, xấp xỉ 2 tỷ USD trong tháng 2/2022. Mức thâm hụt này cao hơn cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021 đến nay.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp FDI thường ghi nhận mức thặng dư thương mại trung bình khoảng 2-3 tỷ USD/tháng thì trong tháng vừa qua, thặng dư thương mại của nhóm doanh nghiệp này giảm chỉ còn 406 triệu USD. Thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng ghi nhận mức tăng khoảng 19,8% so với cùng kỳ. Diễn biến này cho thấy giá nguyên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng cán cân thương mại của Việt Nam trong năm nay.

Xuất khẩu nhóm hàng phi công nghệ tiếp tục khởi sắc trong tháng 2/2022

Theo nhóm hàng, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm gồm có hàng dệt may, giày dép, túi xách (+19,4% so với cùng kỳ); nông lâm, thủy sản (+18,2% so với cùng kỳ) và sản phẩm chế biến, chế tạo khác (+21,5% so với cùng kỳ). Trong đó, những mặt hàng có mức tăng trưởng rất cao về sản lượng và giá là phân bón, gạo và thủy sản. Trái lại, tăng trưởng xuất khẩu gỗ và hàng điện tử không khả quan bằng các nhóm hàng trên. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ chỉ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ, ngược lại, xuất khẩu hàng điện tử giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo đối tác xuất khẩu chính, thị trường ASEAN là thị trường ghi nhận hoạt động xuất khẩu tích cực nhất trong hai tháng đầu năm (+21,7% so với cùng kỳ). Các thị trường trọng yếu khác đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu từ hai chữ số trở lên, cụ thể Hoa Kỳ (+17,3%), EU (+16,4%), Hàn Quốc (+15,9%) và Nhật Bản (+13,1%).

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, tuy nhiên mức giảm đã thu hẹp từ mức 15,2% trong tháng 1/2022 xuống chỉ còn 0,8%. Như vậy, khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhìn chung đã được tháo gỡ một phần trong tháng 2, tăng trưởng trong tháng 2 đạt 19,0% so với cùng kỳ, không thua kém các thị trường xuất khẩu còn lại.

Gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp một số trở ngại do tác động từ cuộc chiến tranh Nga – Ucraina. Trong tháng 2/2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ucraina giảm lần lượt 12,5% và 32,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang cả hai thị trường trong hai tháng đầu năm đạt 551 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu và tăng 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng xấp xỉ 14% của cả năm 2021.

Nhập khẩu nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trên đà tăng trưởng

Theo VDSC, đa số các mặt hàng có dữ liệu về lượng nhập khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm về lượng trong hai tháng đầu năm. Mức tăng cao của kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô chủ yếu là do thay đổi của giá hàng hóa. Giá dầu tăng mạnh thời gian qua đã khiến cho nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu tăng 146,8% so với cùng kỳ trong tháng 2/2022. Lũy kế hai tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này tăng 65,6% về giá trị và 2,6% về lượng so với cùng kỳ.

Trong năm 2021, nhập khẩu dầu thô và xăng dầu của Việt Nam đạt khoảng 9,3 tỷ USD, tương đương 2,8% kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu hàng trung gian phục vụ sản xuất dệt may và hàng điện tử tiếp tục tăng 31,1% trong tháng Hai, cao hơn mức tăng 15,7% trong tháng 1/2022. Các mặt hàng tiêu dùng và máy móc, thiết bị ghi nhận mức tăng thấp trong hai tháng đầu năm, lần lượt tăng 3,1% và 2,0% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo thị trường, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh trong tháng 2, đưa thị trường này thành thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng cao nhất trong hai tháng đầu năm (+20,2% so với cùng kỳ). Nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác tiếp tục tăng tốc trong tháng 2, như Nhật (+11,1%), ASEAN (+17,8%) và Trung Quốc (+18,0%). Nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và EU tiếp tục tăng trưởng âm, điều này cũng có thể liên hệ đến tăng trưởng thấp của nhập khẩu hàng tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng yếu của nội địa.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: