Sự kiện hot
3 năm trước

VDSC: Hoạt động thương mại giảm đà tăng trong 6 tháng cuối năm

Theo VDSC, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong tháng 6/2021 với xuất khẩu tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với tháng trước lên 27,2 tỷ USD. Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu giảm còn 34,3% so với cùng kỳ và giảm nhẹ 2,1% so với tháng trước xuống 27,7 USD.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong báo cáo vĩ mô được cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thâm hụt thương mại trong tháng 6/2021 ước đạt 455 triệu USD, giảm so với mức thâm hụt kỷ lục 2,1 tỷ USD trong tháng 5/2021.

Tính chung nửa đầu năm 2021, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng lần lượt là 29,1% so với cùng kỳ và 36,4% so với cùng kỳ. Thâm hụt thương mại của Việt Nam ước đạt 930 triệu USD, trái ngược với mức thặng dư 5,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Tăng trưởng hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ giảm so với nửa đầu năm

Cũng theo VDSC, đợt bùng phát dịch bệnh mới đây đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là hoạt động của các nhà máy ở khu vực miền Nam Việt Nam. Hoạt động thương mại cho thấy một số dấu hiệu suy yếu trong đầu quý 3/2021 khi chính quyền áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong tháng trước, khi dịch bệnh tấn công vào các nhà máy khu vực phía Bắc, các công ty điện tử và công nghệ đã cố gắng duy trì hoạt động bằng lượng lao động tối thiểu và giữ người lao động ở lại nhà máy. Tuy nhiên, cụm công nghiệp phía Nam vấp phải nhiều khó khăn khi cố gắng đáp ứng yêu cầu chống dịch và hoạt động theo hình thức vừa sản xuất vừa cách ly, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

VDSC cũng cho biết, theo thông tin truyền thông, hơn 90% trong 800 thành viên của Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong khi 97% doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dệt may cũng phải đóng cửa tạm thời.

Trong nửa đầu tháng 7, xuất khẩu các sản phẩm điện tử ghi nhận mức giảm 7,2% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu của mặt hàng dệt may vẫn giữ được mức tăng 26,5% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, VDSC cho rằng việc đóng cửa nhà máy kéo dài sẽ làm suy giảm triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiệu ứng nền thấp của năm trước sẽ dần biến mất trong nửa cuối năm

Báo cáo của VDSC cũng chỉ ra, tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng chính yếu đã thu hẹp lại do tác động từ mức nền thấp của năm trước giảm đi trong tháng 6/2021.

Xuất khẩu dệt may, da giày và máy móc tăng lần lượt là 28,7% và 24,0% so với cùng kỳ, giảm so với mức tăng 45,5% và 48,0% trong tháng trước. Xuất khẩu mặt hàng điện tử tăng trưởng âm 1,3% so với cùng kỳ, đối lập với mức tăng 20,2% trong tháng 5/2021.

Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản vẫn khá tích cực với mức tăng 14,4% so với cùng kỳ, xuất khẩu mặt hàng gỗ và kim loại vẫn trên đà tăng cao, tăng lần lượt 62,2% và 91,6% so với cùng kỳ trong tháng 6/2021.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo các thị trường chính, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 44,7% trong 6T2021, thấp hơn mức tăng 49,1% ghi nhận trong 5 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang thị trường EU cũng thu hẹp đà tăng còn 18,0% trong 6T2021, thấp hơn mức tăng 21,4% trong 5T2021.

Mặc dù dịch bệnh đang lây lan mạnh ở các nước ASEAN, xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với mức tăng 28,0% trong 6T2021, cao hơn mức tăng 23,9% trong 5T2021. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ghi nhận sự thu hẹp nhẹ trong đà tăng trưởng từ mức 27,0% trong 5T2021 xuống 24,8% trong nửa đầu năm.

Tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ giảm do cầu tiêu dùng nội địa yếu

Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng nhập khẩu cao nhất được ghi nhận ở hai thị trường lân cận Việt Nam là Trung Quốc (+52,2% so với cùng kỳ) và ASEAN (50,5% so với cùng kỳ). Nhập khẩu từ thị trường EU cũng ghi nhận mức tăng cao thứ 3 (23,9% so với cùng kỳ) nhờ thực thi hiệp định EVFTA. Tăng trưởng nhập khẩu cho thấy sự thu hẹp trong tháng 6 với mức tăng từ 36,8% trong 5T2021 xuống 36,3% trong 6T2021.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đà tăng của nhập khẩu sẽ tiếp tục thu hẹp trong các tháng tới do cầu nội địa suy giảm. Trong tháng 6/2021, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng 39,9% so với cùng kỳ, tiếp nối mức tăng rất mạnh 60,5% trong tháng trước. Nhập khẩu các mặt hàng trung gian cho dệt may và điện tử tăng 20,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 43,5% trong tháng trước. Đợt bùng phát dịch bệnh mới đây sẽ tác động tiêu cực lên cả cầu tiêu dùng trong nước và cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, do đó, chúng tôi cho rằng thâm hụt thương mại trong nửa cuối năm sẽ không đáng kể mặc dù giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao”.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: