Sự kiện hot
4 năm trước

VDSC: Khan hiếm chip bán dẫn có thể làm chậm đà tăng trưởng của ngành ô tô

Theo VDSC, sự phát triển của công nghệ và dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu chip bán dẫn dành cho ô tô.

Ảnh minh họa

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có cập nhật đối với ngành xe hơi và phụ tùng. Theo đó, VDSC nhận định, việc thiếu chip bán dẫn sẽ khiến doanh số xe đi ngang ở quý II và quý III trước khi tăng trưởng trong quý IV khi mà nguồn cung trở nên dồi dào hơn. Nguồn cung có phần hạn chế trong khi nguồn cầu đang tăng sẽ khiến giá bán xe có thể phải được điều chỉnh tăng theo giá nguyên vật liệu trong thời gian tới. Tính chung cả năm 2021, kết quả kinh doanh của các công ty ngành ô tô sẽ tăng trưởng nhờ sản lượng tăng (chủ yếu ở quý I và quý IV) và biên lợi nhuận tốt hơn.

Tình hình kinh doanh ngành ô tô quý I/2021

VDSC cho biết, theo số liệu thống kê của VAMA, doanh số bán hàng quý I/2021 tăng 32% so với cùng kỳ, lên 66.191 chiếc. Trong đó, doanh số xe du lịch đã có sự phục hồi mạnh khi tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 49.428 chiếc.

Theo VDSC, động lực tăng trưởng đến từ việc các hãng xe (Mitsubishi, VinFast, Mercedes-Benz, MG và Honda) chủ động hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng sau khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ từ Chính phủ hết hiệu lực vào cuối năm 2020; Bên cạnh đó, cứ mỗi năm năm, một vài hãng xe sẽ có nhiều điều chỉnh đáng kể về thiết kế và năm nay (2021) là năm đầu của chu kỳ mới nên nhiều mẫu xe mới được chào bán; Ngoài ra, Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi, qua đó góp phần thúc đẩy sức mua.

Doanh số VAMA theo chủng loại (chiếc). Nguồn: Báo cáo VDSC

VDSC phân tích, theo nguồn gốc xuất xứ, cả doanh số xe lắp ráp và xe nhập khẩu đều tăng mạnh với 21% YoY (lên 40.262 chiếc) và 58% YoY (lên 30.690 chiếc). Nguyên nhân giúp tăng trưởng của xe nhập khẩu cao hơn xe lắp ráp nội địa gồm:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ hết hạn khiến các mẫu xe lắp ráp nội địa trở nên đắt đỏ hơn trước, nên giảm sức cạnh tranh với xe nhập khẩu;

Thứ hai, ngành sản xuất ô tô của Thái Lan phục hồi sau khi nhiều nhà máy phải giảm công suất do ảnh hưởng của dịch bệnh (GlobalData ước tính công suất sản xuất giảm 25-30% trong năm 2020), giúp cải thiện nguồn cung xe.

Doanh số VAMA theo nguồn gốc xe (chiếc). Nguồn: Báo cáo VDSC

VDSC cho rằng, theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 37%, tăng thêm 1,5% so với năm 2020 nhờ doanh số bán xe Kia tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi. Trong khi thị phần Mitsubishi được duy trì nhờ sự ưa chuộng của người mua với mẫu xe Mitsubishi Xpander, Toyota đã đánh mất khoảng 4,7% thị phần do Toyota Vios dần đánh mất sự ưa thích của thị trường. Ford - đơn vị “thống lĩnh” phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,9%. 

Thị phần các công ty thành viên VAMA. (Nguồn: Báo cáo VDSC)

Tăng trưởng bị hạn chế bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn

Sự phát triển của công nghệ và dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu chip bán dẫn dành cho ô tô.  Cụ thể, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo tình trạng ảm đạm trong nhu cầu tiêu thụ ô tô. Trái lại, việc làm việc tại nhà đã làm tăng nhu cầu đối với các thiết bị điện tử như điện thoại và laptop.

Trước tình hình này, các nhà máy sản xuất chip bán dẫn đã chủ động chuyển đổi dây chuyền sản xuất về hướng chip dành cho thiết bị điện tử. Ước tính, doanh thu 2020 chip bán dẫn dành cho ô tô toàn cầu giảm 9% YoY, trong khi doanh thu chip bán dẫn cho thiết bị điện tử tăng 11% YoY.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêm phòng vaccin toàn cầu đã giúp triển vọng kinh tế tích cực hơn, khiến nhu cầu mua xe phục hồi nhanh và mạnh hơn dự kiến của các hãng xe. Đồng thời, cả ô tô và các thiết bị điện tử ngày càng phụ thuộc vào công nghệ - được điều khiển bởi các chip bán dẫn khiến số lượng chip bán dẫn trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng lên. Từ đó, dẫn đến tình trạng khan hiếm chip bán dẫn để sản xuất ô tô. Các công ty chip bán dẫn dự kiến tình trạng khan hiếm sẽ chỉ được giải quyết sớm nhất vào quý IV/2021.

Doanh thu 2020 của chip bán dẫn theo mặt hàng (tỷ USD). Nguồn: Báo cáo VDSC

Do thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn nên dự kiến doanh số xe quý II và quý III/2021 sẽ không tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ 2020, nhiều khả năng sẽ đi ngang. Triền vọng tăng trưởng doanh số bán hàng chỉ thực sự tích cực từ quý IV năm nay khi nguồn cung dồi dào hơn.

VDSC cũng đưa ra quan điểm về việc giá bán xe khó giảm. Cụ thể, nguồn cung chip bán dẫn hạn chế có thể khiến giá chip tăng đồng thời chi phí các nguyên vật liệu khác cũng đang tăng cao như thép có thể khiến chi phí sản xuất tăng; nhu cầu mua xe đang cao nhờ triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam; áp lực thanh lý hàng tồn kho thấp. Do đó, các hãng xe hiện đang có vị thế thương lượng tốt hơn người mua và để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh doanh số bán hàng khó tăng trưởng và nguy cơ chi phí sản xuất tăng, dự kiến giá bán sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới.

Tình hình cung cầu theo năm. (Nguồn: Báo cáo VDSC)

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: