Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

VDSC: Ngành ngân hàng - Cập nhật sơ lược kết quả kinh doanh quý 1/2022

Theo VDSC, tăng trưởng cao ổn định ở các ngân hàng lớn, nhiều khó khăn ở các ngân hàng nhỏ hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành ngân hàng. Theo VDSC, giữa những lo ngại đang gia tăng và tác động đến giá cổ phiếu, một số ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động Q1/2022, cho thấy rằng ​​tăng trưởng lợi nhuận phân hoá như dự báo ​​trong Báo cáo Chiến lược năm 2022.

Với khoảng 9 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tại thời điểm thu thập dữ liệu, VDSC ước tính tăng trưởng tổng thu nhập lãi thuần bình quân của nhóm này là 21%, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 36% và tăng trưởng LNTT đạt 70%. Trong đó, VPB công bố lợi nhuận tăng trưởng bất thường nhờ khoản phí trả trước bancassurance.

Sự tăng trưởng của các cấu phần thu nhập cho thấy sự đóng góp lớn của thu nhập ngoài lãi, hệ số CIR và chi phí tín dụng. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ tại các ngân hàng tư nhân lớn do tăng trưởng tín dụng cao so với đầu năm và sự chênh lệch giữa tốc độ mở rộng tín dụng và huy động tiếp diễn.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Các ngân hàng tư nhân lớn đã bổ sung một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể. TCB, VPB và TPB tăng số dư trái phiếu doanh nghiệp thêm 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong hệ thống ngân hàng là 274 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trong số dư trái phiếu doanh nghiệp của ba ngân hàng này tương đương với 14% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn ngành.

Điều này có thể gây ra một số lo ngại do các sự kiện gần đây liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Các ngân hàng được NHNN giám sát chặt chẽ về mặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Danh mục trái phiếu đang tư vấn, bảo lãnh phát hành đã bị chậm lại tại một số ngân hàng đầu tư hàng đầu. Hạn mức tín dụng cho các khoản vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã được giới hạn.

Tuy nhiên, VDSC vẫn chứng kiến đà ​​tăng trưởng tín dụng bền vững của ngành (19/04/22: 6,37% YTD, 16,0% YoY, cao nhất kể từ đầu đại dịch). Tăng trưởng mạnh đến từ cả các khoản cho vay ngắn hạn (6,84% YTD) và dài hạn (5,86% YTD, trong đó các khoản vay mua nhà và ô tô đóng góp đáng kể). Điều này cho thấy hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường ở hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tín dụng có thể đã được thay đổi theo định hướng bán lẻ và cho các doanh nghiệp vay không vì mục đích kinh doanh bất động sản.

VDSC nghĩ rằng việc rà soát gắt gao này là một biện pháp để hạn chế sự kiện “tê giác xám”. Rủi ro đã bị ngó lơ trong nhiều năm. Tất cả các ngân hàng đều ít nhiều liên quan đến lĩnh vực bất động sản, khiến nó có thể trở thành rủi ro hệ thống. Tuy vậy, mức độ, quy mô và hình thức liên quan đến bất động sản là khác nhau giữa các ngân hàng. Với bộ đệm vốn cũng vậy.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Trong Báo cáo Chiến lược năm 2022, VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng bảng cân đối giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục phân hoá mạnh năm 2022 và lợi thế sẽ nghiêng về phía các ngân hàng lớn. Từ KQKD Q1/22 của một số ngân hàng, VDSC nhận thấy động lượng phù hợp với kỳ vọng này ở các ngân hàng tư nhân hàng đầu trong khi các ngân hàng nhỏ hơn có mức tăng trưởng âm. Tính theo năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2021 và tốc độ mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong Q1/22 đã mang lại tăng trưởng tín dụng tốt tại các ngân hàng tư nhân lớn, hỗ trợ thu nhập lãi thuần. Mặc dù có sự phục hồi trong Q1/22, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Điều này cũng đã hỗ trợ NIM.

VDSC cho rằng sự phân hoá trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục trong Q2/22, trước khi toàn ngành được hưởng lợi từ nền so sánh thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng thường được nâng lên trong nửa cuối năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục không đồng đều là một trong các nguyên nhân khiến NIM của một số ngân hàng mở rộng trong Q1/22.

Tăng trưởng huy động đang tăng trở lại với tốc độ ổn định. VDSC kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong nửa sau năm 2022, thúc đẩy tăng trưởng huy động cao hơn.

Giai đoạn mới của chi phí huy động vốn?

Triển vọng về NIM là tương đối phân hoá. Diễn biến lãi suất trong Q1/22 đã chứng minh điều này. 5 trong số 9 ngân hàng công bố BCTC tại thời điểm VDSC cập nhật dữ liệu có NIM giảm theo quý. 3 trên 4 ngân hàng có NIM mở rộng là ngân hàng nhóm 1 – ngân hàng tư nhân quy mô lớn.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Lãi suất huy động trong Q1/22 tăng trung bình 3 điểm cơ bản so với Q4/21. Lợi suất cho vay bình quân giảm 8 điểm cơ bản. Điều này dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch lãi suất thị trường 1 của nhiều ngân hàng. Lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại TCB (29 điểm cơ bản), VPB (19 điểm cơ bản) và TPB (14 điểm cơ bản). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất. Chỉ có 3/9 ngân hàng giảm lãi suất huy động bình quân theo quý. Lợi suất cho vay tăng mạnh nhất tại VPB (55 điểm cơ bản). VPB là ngân hàng duy nhất có lợi suất cho vay tăng trưởng dương trong quý 1/2022. Lợi suất cho vay giảm mạnh nhất theo quý ở BAB, tiếp theo là TPB. Điều này giải thích cho sự thu hẹp liên tục ở NIM (hàng quý) của TPB.

Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong Q1/22 so với Q4/21. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. VDSC nhận thấy ​​tốc độ tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu đang chững lại, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết khá ổn định trong Q2/2022. Về phía cuối năm, dự kiến lãi suất vẫn sẽ tăng so với mức hiện nay.

Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Lãi suất huy động niêm yết bình quân đạt mức thấp vào cuối năm 2021, trước khi tăng trở lại. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng VDSC kỳ vọng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022.

Phạm Hồng Vân

Từ khóa: