Sự kiện hot
2 năm trước

VDSC: Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm

Theo VDSC, hiện tại, triển vọng kinh tế nửa cuối năm của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tích cực hơn ở khía cạnh những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể vẫn tiếp diễn và gây ra gián đoạn trong hoạt động kinh tế nhưng sẽ không gây ra cú sốc trên diện rộng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2022 của Trung Quốc thấp hơn dự báo

Trong báo cáo mới cập nhật đối với ngành vĩ mô, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 0,4% so với cùng kỳ trong Q2/2022, thấp hơn mức tăng 4,8% của Q1/2022, đồng thời cũng là mức tăng thấp nhất kể từ Q1/2020. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của nước này thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế là 1,2% nhưng các chỉ báo kinh tế trong tháng 6 đều cho thấy sự phục hồi.

Cụ thể, trong tháng 6/2022, sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,7% trong tháng 5, doanh số bán lẻ tăng 3,1% so với mức giảm 6,7% trong tháng 5 và đầu tư tài sản cố định tăng 6,1% trong 6 tháng đầu năm, duy trì ổn định so với mức tăng 6,2% trong 5T2022.

Nhìn về nửa cuối năm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối diện với nhiều thách thức gồm rủi ro dịch bệnh lan rộng, giá háng hóa tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTW thế giới.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Triển vọng nửa cuối năm 2022: Phục hồi chậm

Báo cáo của VDSC cũng cho biết, hiện tại, triển vọng kinh tế nửa cuối năm của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tích cực hơn ở khía cạnh những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể vẫn tiếp diễn và gây ra gián đoạn trong hoạt động kinh tế nhưng sẽ không gây ra cú sốc trên diện rộng.

Ở phía cầu, tăng trưởng của đầu tư được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động đầu tư công, trong khi đó, cầu tiêu dùng sẽ chỉ phục hồi nhẹ, trong khi đó đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng kinh tế sẽ không tích cực như nửa đầu năm do rủi ro suy thoái toàn cầu.

Xét về mức độ, sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ chậm hơn giai đoạn năm 2020 do chính sách zero-Covid, niềm tin tiêu dùng kém, sự suy yếu của thị trường bất động sản và cả rủi ro đến từ bên ngoài như đã liệt kê ở trên.

Cũng theo VDSC, hiện tại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính quyền Trung Quốc cho cả năm 2022 đã điều chỉnh giảm từ mức 5,5% còn khoảng 4%, điều này đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi từ mức tăng 2,5% trong nửa đầu năm lên 5,3% trong nửa cuối năm. Tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc hiện đang được dự báo sẽ khoảng 3,5-4,0% trong năm 2022 và phục hồi lên mức 5,5-6,0% trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chính sách kiểm soát Covid-19 cần phải linh hoạt hơn và tăng cường sự hỗ trợ đối với thị trường bất động sản và phục hồi niềm tin tiêu dùng trong nước. Do đó, chính quyền Trung Quốc sẽ có thể phải đi ngược với xu hướng thắt chặt chính sách kinh tế trên toàn cầu bằng cách mở rộng chính sách tiền tệ và tài khóa trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, do rủi ro lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ không có nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng như nửa đầu năm, chính sách tài khóa do đó sẽ là trụ đỡ để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,1% trong tháng 5 và cao hơn mức dự báo 2,4% của các nhà phân tích.

Hiện tại, diễn biến giá cả tại nền kinh tế lớn thứ hai của Trung Quốc vẫn khá bình lặng trong làn sóng lạm phát của thế giới do Covid-19 và sức cầu yếu. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể khiến lạm phát nước này tăng vượt mức mục tiêu 3,0% trong nửa cuối năm gồm tình hình dịch tả lợn đẩy giá thực phẩm tăng mạnh, giá năng lượng vẫn duy trì ở mức cao, giá dịch vụ phục hồi nhẹ khi chính quyền nới lỏng các biện pháp phong tỏa. 

Cũng theo báo cáo của VDSC, ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam hiện tại VDSC quan tâm ở hai khía cạnh là triển vọng thương mại và chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng thương mại sang thị trường Trung Quốc không ổn định do ảnh hưởng của chính sách zero-Covid. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,6% so với mức tăng 24,9% của cùng kỳ, nhập khẩu tăng 14,6% so với mức tăng 53,4% của cùng kỳ.

Diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát của chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm. Điều lạc quan là trong kịch bản cơ sở, nếu việc phong tỏa trên diện rộng không diễn ra thì nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc có thể thông suốt và xuất khẩu có cơ hội hồi phục dù sức cầu của nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng chỉ cải thiện nhẹ. Tỷ giá USDCNY đã tăng lên mức 6,75 trong tháng 7/2022, đồng nghĩa với việc đồng NDT đã mất giá khoảng 6,1% so với đầu năm. Việc chính quyền Trung Quốc tỏ ra tích cực hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã giúp đà mất giá của đồng NDT chững lại trong các tháng qua dù đồng USD vẫn tiếp tục tăng cao. Trong kịch bản cơ sở, đồng NDT kỳ vọng vẫn mất giá nhẹ trong nửa cuối năm và phục hồi trở lại trong năm 2023. VDSC cho rằng đây cũng là một chỉ báo để nhìn vào xu hướng tỷ giá USDVND do mối tương quan cao của tiền đồng với đồng NDT.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: