Sự kiện hot
12 năm trước

Vi phạm lấn chiếm bãi sông ở Hải Phòng: Xử lý hời hợt

Trên địa bàn TP.Hải Phòng, tình trạng lấn chiếm bãi sông nghiêm trọng, đe doạ các công trình đê điều, phòng chống lụt bão. Thế nhưng chính quyền địa phương lại xử lý thiếu kiên quyết.

Trên địa bàn TP.Hải Phòng, tình trạng lấn chiếm bãi sông nghiêm trọng, đe doạ các công trình đê điều, phòng chống lụt bão. Thế nhưng chính quyền địa phương lại xử lý thiếu kiên quyết.

Ồ ạt lấn chiếm

Theo khảo sát, thống kê của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (QLĐĐ&PCLB) TP. Hải Phòng, trong vòng 10 năm (2001- 2011) đã phát sinh 811 vụ vi phạm, trong số đó mới xử lý được 356 vụ. Hiện nay, Hải Phòng còn tồn tại gần 1.600 trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Trong đó, 70% số vụ vi phạm là xây dựng nhà xưởng, lập bến bãi trái phép tại khu vực các bãi sông sát chân đê.

Một trường hợp lần chiếm, vi phạm đê điều ở Hải Phòng.

Điển hình, tại đê tả sông Văn Úc thuộc xã Quang Trung, huyện An Lão, có 13 doanh nghiệp (DN), cá nhân lấn chiếm bãi sông trong hành lang bảo vệ đê và cầu Tiên Cựu. Ông Đỗ Quang Hanh - Chủ tịch UBND xã cho biết: Người dân chiếm bãi sông làm bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), với khối lượng hàng vạn m3.

Một số doanh nghiệp lấn chiếm để xây dựng nhà xưởng, cầu cảng, bến neo đậu tàu thuyền kiên cố… ngay sát chân đê, gây mất ổn định cho cả tuyến đê trọng yếu và cây cầu nằm trên Quốc lộ 10. Tại các bãi bồi ven đê tả và hữu sông Lạch Tray, nhiều DN và hộ dân lấn chiếm hành lang đê trong phạm vi 5m để làm bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và xây dựng cơ sở sửa chữa tàu thuyền.

Do lượng vật liệu lớn chất trên bãi sông, hoạt động tần suất cao của các phương tiện xe cộ, tàu thuyền, sà lan vận chuyển, bơm hút cát gây sạt lở bờ sông, lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiêu, thoát lũ về mùa mưa bão.

Trên tuyến đê sông Lạch Tray thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, hiện có cả trăm cá nhân và DN làm nhà ở kiên cố, xây dựng xưởng sản xuất và bến bãi kinh doanh VLXD… ngay sát chân đê, gây bất ổn cho cả tuyến đê xung yếu.

Xử lý cho… tồn tại (!?)

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết trong 1.600 trường hợp vi phạm Luật Đê điều có tới 900 trường hợp xâm hại bờ bãi, trong phạm vi hành lang đê 5m, nhưng vẫn được các địa phương, ngành cấp phép sử dụng(!?).

Ông Nguyễn Bá Tiến - Chi cục trưởng Chi cục QLDĐ&PCLB Hải Phòng thừa nhận: "Hầu hết các bãi sông, nhất là khu vực ven nội thành đều bị lấn chiếm. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, cảnh báo về hậu họa, nhưng tình trạng xâm hại hành lang đê vẫn diễn ra phức tạp".

Đơn cử như ở xã Quang Trung, huyện An Lão, ông Đỗ Quang Hanh- Chủ tịch UBND xã này thừa nhận, trong số 13 trường hợp vi phạm vừa thống kê, có tới 8 trường hợp được xã và huyện cho thuê bãi sông trong hành lang đê 5m. Thế nên, mặc dù đã nhiều lần cơ quan chức năng về kiểm tra, kiến nghị địa phương xử lý dứt điểm. Nhưng rồi, chỉ vài ba trường hợp được xử lý hành chính rồi cho tồn tại(!?) Bởi vì, chính quyền địa phương vừa là người cấp phép lại vừa xử lý vi phạm, khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi", làm sao xử lý dứt điểm được vụ việc ?

Theo phản ánh của số Hạt Quản lý đê, hầu hết những vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB được cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, kiến nghị địa phương xử lý, nhưng đều bị để… "chìm xuồng"(!?) hoặc chỉ xử lý chiếu lệ cho xong, thiếu mạnh tay, kiên quyết, dẫn tới pháp luật bị khinh nhờn.

Thu Ngân
theo Dân Việt

Từ khóa: