Sự kiện hot
8 năm trước

Vì sao đạo diễn Lương Đình Dũng trả lại bằng khen "Cha cõng con" ở Cánh Diều 2016?

Tối 9/4, đạo diễn Lương Đình Dũng và ê-kíp từ Hà Nội bay vào TP.HCM dự lễ trao giải Cánh Diều 2016. "Cha cõng con" được đề cử ở ba hạng mục: Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Phim điện ảnh xuất sắc.

Tuy nhiên, phim chỉ nhận được Bằng khen từ Ban giám khảo cho hạng mục Phim điện ảnh.

Dưới đây là những lời tâm sự đầy tâm huyết của đạo diễn Lương Đình Dũng về quyết định trả lại bằng khen cho ban tổ chức giải “Cánh diều” 2016:

Sau khi các đoàn phim lên nhận giải Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc, tôi đã ra khu vực hàng ghế đầu nơi các giám khảo và quan khách ngồi, giới thiệu bản thân, bộ phim và trịnh trọng xin trả lại Bằng khen cho Ban giám khảo.

Tôi tự nhận mình là người vô duyên với Cánh Diều. Năm 2004, tôi tham dự ở hạng mục phim ngắn với "Hạnh phúc đỏ". Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó phim được chọn chiếu tại Liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, tôi tham dự Cánh Diều ở hạng mục phim ngắn với "Chuyện ông Mờ" và chỉ nhận được bằng khen của Ban giám khảo. Bộ phim này sau đó được giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29.

Trước khi đến với Cánh Diều 2016, "Cha cõng con" đã chu du gần chục liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu  tranh giải chính thức. Giữa tháng 4, tôi và đoàn phim sẽ sang Mỹ tham gia lễ trao giải Boston, Houston...

Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của "Cha cõng con" chính là nguyên nhân khiến Ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ. Đó là nguyên nhân khiến tôi quyết định trả lại Bằng khen cho Ban tổ chức Cánh Diều 2016.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Sau 10 năm ấp ủ, gần 3 tháng quay phim, hơn 1 năm hậu kỳ với kinh phí lên tới gần 18 tỷ, "Cha cõng con" mới hoàn thành. Khi có những Liên hoan phim Quốc tế đón nhận và đề cử “Cha cõng Con”, người ta đồn tôi mua giải.

Khi tôi nhận được lời mời công chiếu tại các Liên hoan phim nước ngoài, đề nghị phát hành tại châu Âu, thì trong nước các nhà phát hành phim kết luận phim của tôi không thể hút khách, thiếu những yếu tố bạo lực, hành động, cảnh nóng, kinh dị nên họ quay lưng.

May mắn sau đó, tôi tìm được nhà phát hành Lotte và thỏa thuận được việc thuê phòng chiếu tại các cụm rạp của CGV, Galaxy, rạp Quốc gia, BHD... với tổng số rạp lên tới 66 rạp trên toàn quốc. Bộ phim chính thức ra rạp từ ngày 5/4, nhận được rất nhiều bình luận tích cực từ dân trong nghề, báo chí lẫn khán giả. Sau ba ngày công chiếu, phía hãng phát hành Lotte cho biết, tại một số rạp khi chiếu vào giờ tốt, lượng khán giả phủ từ 70-80% rạp.

Tuy nhiên ở những cụm rạp khác, tình trạng hoàn toàn trái ngược. "Cha cõng con" chỉ được chiếu vào những giờ thấp điểm, có rất ít khán giả tới rạp... Một bộ phim dành cho trẻ em, gia đình nhưng bị chiếu vào lúc 9h sáng, 23 giờ đêm hoặc lúc 16h20 chiều ngày thường. Có cụm rạp  suất chiếu vào khung giờ 8h50, 9h15 sáng ngày thường, làm khó cả khán giả lẫn nhà sản xuất.

Không chỉ vậy, việc quảng bá cho "Cha cõng con" ở những cụm rạp này cũng vô cùng hạn chế.

Từ những lý do này phim "Cha cõng con" có thể bị đẩy ra khỏi rạp sớm, bị gán mác phim không có người xem.

“Cha cõng Con” không phải là cuộc chơi với điện ảnh đầu tiên của tôi, nhưng chắc chắn là cuộc chơi xương máu nhất, từ bây giờ cho đến sau này. Một cuộc chơi không hối hận. Người cha trong phim đã cõng con đi ngược với thiên nhiên, ngược xã hội, ngược số phận, một cách bản năng và không oán thán. Có lẽ tôi cũng đã làm thế với “Cha cõng con”, đi ngược lại với tất cả định kiến, xu hướng thị hiếu. Điều đó là để làm gì?

Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí trong phim 'Cha cõng con'.

Là một người trong ngành truyền thông, tôi hiểu cách một bộ phim làm sao có thể hút khách đến rạp, làm sao để đánh đúng thị hiếu. Nhưng nói hơi ngược đời, nếu mục tiêu hướng đến doanh thu phòng vé, tôi đã không liều lĩnh một cách điên rồ, đánh cược gia sản của gia đình và những người ủng hộ tôi chỉ vì một cuộc chơi kiếm tìm lợi nhuận hay danh vọng.

Tôi đã hi vọng tình người khắp nơi trỗi dậy, mở một lối đi cho một sản phẩm điện ảnh tử tế, được tạo ra không phải để mưu cầu cho lợi ích cá nhân. Bộ phim ấy muốn gọi ra phần trong trẻo nhất của mỗi tâm hồn, nhắc nhớ rằng cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí, để thờ ơ, nhắc nhớ rằng cuộc đời này hãy yêu thương trước khi không thể. Bộ phim ấy muốn đem giọng nói Việt lên màn ảnh xứ người, khắc hoạ hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, thuần khiết, cảnh sắc Việt Nam đẹp bất tận so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Bộ phim ấy là một phép thử với chính tôi, mong manh giữa ranh giới của danh vọng hay đức tin, lợi nhuận hay đạo lý. Và tôi vui vì mình đã dám lựa chọn những điều đúng đắn.

Chúng ta sống với những lý tưởng nhất định của mình. Trong một xã hội nhiều thực dụng, thì lý tưởng là điều xa xỉ và có phần viển vông. Nhưng nói bằng tấm lòng của người đã ngoài bốn mươi tuổi, phần nào đã nếm và hiểu lẽ đời, tôi làm “Cha cõng Con” như một sự trả nghĩa cho cuộc sống, cho đất nước mà tôi thuộc về.

Khi làm phim 'Cha cõng con' tôi mong ước phim đến với nhiều người nhất có thể. Tấm vé không phải là đích đến, đích đến của tôi là làm một điều gì đó có nghĩa, để lay động tình người trỗi dậy. Tuy nhiên hiện tại, tôi thấy tâm huyết của cả ê-kíp đang bị o ép. Tôi cần một sự công bằng cho bộ phim và hơn hết, là sự công bằng cho những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh Việt Nam.

Theo Công lý

Từ khóa: