Sự kiện hot
10 năm trước

“Viacheslav Tikhonov” sống mãi trong lòng người hâm mộ

“Khi Tikhonov xuất hiện trong khuôn hình, lập tức bộ phim có không khí!”. Gương mặt khắc khổ, đăm chiêu cùng với đôi mắt sáng lạnh lùng - Viacheslav Tikhonov đã khắc họa một hình ảnh điển hình cho người chiến sĩ tình báo chiến lược Xô Viết. Lịch lãm, sắc sảo và cũng vô cùng lãng mạn.


Viacheslav Tikhonov trong vai quận công Bolkonsky phim” Chiến tranh và hòa bình” (1967)

Viacheslav Tikhonov sinh ngày 8 tháng 2 năm 1928 tại thành phố Pavlovsky Posad ngoại ô Maxcova trong gia đình có bố làm công nhân và mẹ là bảo mẫu ở nhà trẻ. Với lòng ham mê điện ảnh chàng trai có dáng hình cao ráo, rắn rỏi khi đó lại mơ làm diễn viên và đã đăng ký thi vào trường điện ảnh Liên Xô (VGIK). Thế nhưng do tính tình rụt rè trước đám đông nên Tikhonov bị đánh trượt. Khi các thí sinh khác đã về hết, Tikhonov vẫn đứng chôn chân ở hành lang vắng vẻ, không muốn tin rằng ước mơ của mình không thể thành hiện thực. Tình cờ, giáo sư Bibikov đi qua, thấy một chàng trai trẻ còn đứng đó liền chủ động tiếp xúc.Với nhãn quan nghệ thuật tinh tường, giáo sư Bibikov đã sớm nhìn ra tố chất của Tikhonov nên đồng ý nhận anh vào học dự thính.

Sự thành công liên tiếp trong sự nghiệp của Tikhonov sau đó đã chứng minh quyết định của giáo sư B.V.Bibikov là sáng suốt. Vai diễn đầu đời của Tikhonov là chàng thanh niên Volodya Osmukhin trong phim “Đội cận vệ thanh niên” của đạo diễn Sergey Seraphimov (1948) đã gây ấn tượng khá mạnh mẽ với dư luận. Bộ phim cũng đánh dấu bước trưởng thành của một thế hệ diễn viên trẻ - những người sau này trở thành diễn viên trụ cột cho điện ảnh Liên Xô như: Vladimir Ivanov, Georgi Yumatov, Inna Makarova, Sergey Bondarchuk, Boris Bityukov...


Tikhonov trong vai Morozov trong phim” Chuyện xảy ra ở Penkov”năm 1957

Năm 1957, ông chính thức trở thành diễn viên của Xưởng phim mang tên Maksim Gorki và ngay sau đó được mời đóng bộ phim "Chuyện xảy ra ở Penkov" của đạo diễn Stanislav Rostotsky với vai diễn rất thành công là anh công nhân máy kéo Morozov. Vai diễn này đem lại cho Tikhonov sự công nhận của giới nghệ sĩ và sự mến mộ của khán giả cả nước bởi anh đã thể hiện một cách chân thật tính cách trữ tình, sâu sắc và sự tinh tế của một chàng thanh niên nông thôn, góp phần khắc hoạ thành công hình ảnh người đoàn viên Komsomol kiểu mới.

Sau sự thành công của bộ phim này, Tikhonov đã được phân nhiều vai diễn đa dạng gây nhiều ấn tượng trong các phim "Những ngôi sao tháng Năm", "Trên bảy ngọn gió", "Cơn khát", Hoa tiêu Panin", "Hai cuộc đời", "Bi kịch lạc quan".

Vốn say mê tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Lev Tolstoi nên vừa nghe tin đạo diễn Sergei Bondarchuk chuẩn bị làm phim Chiến tranh và hòa bình, Tikhonov liền tìm cách tiếp cận và ngỏ ý muốn nhập vai Andrei Bolkonsky. Bondarchuk từ chối bởi ông đã có hai ứng cử viên sáng giá cho vai này. Điều đó khiến Tikhonov vô cùng thất vọng. May mắn đến với ông là hai diễn viên được Bondarchuk nhắm cho vai Bolkonsky đều bận đóng các phim khác. Nhờ sự can thiệp của bà Bộ trưởng Bộ Văn hóa Tikhonov có cơ hội diễn thử và được nhận vai mà mình “mơ ước cả đời”. Quay suốt bốn năm ròng rã, cuối cùng tác phẩm điện ảnh được cả nước chờ đợi cũng ra mắt khán giả Bộ phim thành công vang dội và được trao giải Oscar năm 1969. Trong bộ phim đó, Tikhonov đã thể hiện một vị quý tộc tinh tế, thượng võ, với tâm hồn trong sáng và lý tưởng cao cả trong tâm khảm.

Sau này, Viacheslav Tikhonov nhớ lại :”Trong suốt bốn năm đóng vai công tước Andrei Bolkonski, tôi đã nhìn đời bằng đối mắt của nhân vật này, và bao nhiêu năm trôi qua, cho đến nay tôi vẫn thấy xúc động trước những suy tư, những hoài nghi của anh ta. Tôi biết ơn đạo diễn Bondarchuk vì ông đã mang lại cho tôi cuộc tiếp xúc với tác phẩm vĩ đại đó, với Tolstoi, với Chiến tranh và hòa bình, với Andrei Bolkonski.


Tikhonov trong phim” Gắng sống đến thứ hai”

Trong phim “Gắng sống đến thứ hai” của đạo diễn S. Rostotsky, một bộ phim cảm động về nghề giáo. Tikhonov vào vai thày giáo dạy sử Melnikov, đồng thời cũng là chủ nhiệm lớp . Thầy giáo lịch sử Melnikov băn khoăn trước câu hỏi: Làm thế nào để giáo dục thế hệ trẻ và dạy cho họ những điều gì? Melnikov không chỉ giảng bài mà còn khuyến khích học sinh nói ra ý kiến của mình, kích thích học trò tìm đọc thêm sách vở bằng cách tranh luận rất nghiêm túc. Melnikov biết cách để học sinh thấy được cái tâm của một nhà giáo . Họ nhớ giọng nói xúc động đầy ấn tượng của thày giáo khi kể với học trò về hàng trăm bức thư của một nhân vật lịch sử chỉ được ghi vẻn vẹn 15 dòng trong sách giáo khoa! Đặc biệt là cảnh thầy giáo đọc cho một cô giáo khác nghe bài thơ của cậu học sinh bị coi là cá biệt. Đọc xong, thầy bỏ kính, ánh mắt long lanh chan chứa tình người. Với vai diễn này Tikhonov được nhận giải thường nhà nước Liên Xô năm 1970.

Năm 1973“ Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” đã khiến Viacheslav Tikhonov bất tử trong lòng người hâm mộ. “Đại tá Stierlitz” đã ghi dấu ấn sâu đậm không chỉ trong lòng người dân Xô Viết mà còn với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Với vai diễn này, Tikhonov đã khắc họa thành công một hình ảnh điển hình cho người chiến sĩ Xô Viết thông minh, lịch lãm và chiến đấu hết mình vì Tổ Quốc. Ông đã thể hiện vai diễn này sống động đến mức nhiều khán giả chỉ quen gọi ông với cái tên Stierlitz. Có một giai thoại lưu truyền rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev khi xem xong bộ phim này đã ngay lập tức muốn tặng thưởng Stierlitz huân chuông anh hùng lao động. Bộ phim này cũng đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Tikhonov, đem lại cho ông danh hiệu nghệ sĩ nhân dân Liên Xô (1974), Giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga (1976), Anh hùng lao động Xã hội chủ nghĩa (1982) và trở thành ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất từ trước tới nay ở Liên Xô.

Vinh quang và sự nổi tiếng đến từ bộ phim đã có lúc khiến ông cảm thấy khó chịu vì người ta chỉ nhắc đến tên ông gắn liền với vai diễn Stierlitz. Con gái ông kể lại: “Có thời kỳ bố tôi mệt mỏi vì niềm vinh dự này. Tôi nghĩ diễn viên nào cũng không vui khi chỉ được khán giả nhớ có mỗi một vai. Có những lúc, điều này khiến bố tôi bực bội”.

Ông còn tham gia đóng nhiều phim khác về đề tài chiến tranh vệ quốc vĩ đại như bộ phim ba tập "Mặt trận không cánh quân", "Mặt trận sau đường chiến tuyến", "Mặt trận trong hậu phương quân địch" phim "Họ chiến đấu vì Tổ quốc" của đạo diễn Bondarchuk. Năm 1977 ông cũng đã rất thành công trong vai chính bộ phim "Chó Bim trắng tai đen" của đạo diễn Rostotsky, sau đó là nhiều phim khác nữa như “ TASS được quyền tuyên bố”, “Câu chuyện châu Âu”, “Giết Rồng”, "Dưới ánh mặt trời thiêu đốt" v.v... Tuy nhiên, chưa có vai diễn nào vượt qua được cái bóng khổng lồ của vai chiến sĩ tình báo Xô Viết Stierlitz.

Năm 1993, ông được nhận giải thưởng lớn "Tráng sĩ vàng" tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ 2 của các dân tộc Xlavơ và Chính thống giáo. Năm 2003, Tikhono được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Huân chương Cống hiến Quốc gia hạng III. Không chỉ là một nghệ sĩ lớn đã thể hiện xuất sắc các vai diễn của mình, trong đời thực Tikhonov là một con người giản dị, khiêm nhường và sâu sắc. Bản thân Viacheslav Tikhonov cho rằng “chỉ có thể chinh phục khán giả khi người nghệ sĩ có ngọn lửa nội tâm, có thể thắp lên và cháy sáng”. Đối với ông, đó chính là bí quyết của nghề nghiệp.

Cuộc đời của ông không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Ông kết hôn lần đầu với nữ diễn viên Nonna Mordyukova - người đã đóng cùng ông trong phim “Đội cận vệ trẻ”. Hai người có với nhau một con trai là Vladimir, Họ ly hôn sau 13 năm chung sống. Cú sốc này cũng đã ảnh hưởng xấu tới người con trai duy nhất của Tikhonov. Dù là một diễn viên có triển vọng, nhưng Vladimir Tikhonov đã sớm sa vào nghiện ngập và qua đời khi mới 40 tuổi vì chích thuốc quá liều. Sau khi chia tay Nonna Mordyukova, năm 1968, Tikhonov lấy một phiên dịch viên tên là Tamara và có một cô con gái tên Anna. Những năm cuối đời, ông sống giản dị bên người thân ở ngoại ô Moskva.

Ngày 4/12/2009, Viacheslav Tinkhonov đã từ giã cuộc đời ở tuổi 81, khép lại sự nghiệp vang dội với những thành công và cống hiến cho nền điện ảnh Xô Viết, nhưng tên tuổi của ông mãi mãi vẫn là huyền thoại trong lòng những người dân Nga và người hâm mộ trên toàn thế giới.

Tuấn Kiệt

Từ khóa: