Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS), ước tính lợi nhuận sau thuế 2020 của VIB đạt khoảng 3,870 tỷ đồng, tăng trưởng 18.5% và vượt kế hoạch đặt ra; EPS 2020E và BVPS 2020E lần lượt là 3,490 đồng và 15,500 đồng. CTS sử dụng phương pháp định giá so sánh với P/B mục tiêu là 1.3 để định giá cổ phiếu VIB. Qua đó, ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VIB là 20,200 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020
Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng cao, đạt 26.9% so với cùng kỳ. Mặc dù dư nợ tín dụng chỉ tăng 5.8% so với thời điểm cuối năm 2019 nhưng NIM cao nên đến thu nhập lãi vẫn tăng khá tốt. Trong quý 2, VIB cũng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay; tái cơ cấu nợ vay để hỗ trợ khách hàng nhưng tỷ lệ nhỏ nên NIM 6 tháng chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh, 33.7% trong đó đóng góp phần lớn từ thu phí dịch vụ thanh toán và thu từ nghiệp vụ đại lý bảo hiểm.
Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 31.5%, trong khi chi phí hoạt động tăng 33.8% khiến cho lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro (DPRR) tăng trưởng đạt 29.8%
Ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm. Tổng kết 6 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 29.5%.
Tăng trưởng cao từ thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ
Theo CTS, VIB là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân được NHNN nới room tín dụng lên khoảng 18 – 22% so với mức 10% được giao đầu năm. Là ngân hàng đầu tiên đạt đủ 3 trụ cột chuẩn Basel II trước thời hạn quy định, kèm với đó là dư nợ tín dụng của VIB còn khá thấp nên việc ngân hàng xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ dễ dàng được NHNN phê duyệt. CTS đánh giá, nếu ngân hàng có nhu cầu tiếp tục gia tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng của VIB năm 2020 vẫn có thể vượt 22% - mức mới được điều chỉnh trong tháng 7.
Chiến lược của VIB là tập trung vào cho vay bán lẻ mua nhà, mua xe ô tô và thẻ tín dụng nên chỉ số NIM của ngân hàng khá cao và dự báo NIM cả năm chỉ giảm nhẹ 10 bps do tỷ lệ khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không lớn. Qua đó, CTS dự phóng thu nhập lãi thuần cả năm của ngân hàng tăng trưởng 20.7% đạt ít nhất 7,500 tỷ đồng.
Về khoản thu nhập dịch vụ, VIB đã ký kết hợp tác với bảo hiểm Prudential từ năm 2015 và đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh bán lẻ nên khoản thu từ nghiệp vụ bancassurance là động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ thanh toán từ nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng là khoản đóng góp lớn thứ 2 cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Niêm yết trên sàn HOSE vào quý 4 năm 2020
Theo kế hoạch, cổ phiếu VIB sẽ được chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE từ tháng 11 năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, chỉ số sinh lời ROE thuộc nhóm cao nhất thị trường, CTS đánh giá việc chuyển sàn niêm yết trong năm nay sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài.
CTS đánh giá về rủi ro:
Nhóm khách hàng chủ yếu của VIB là cá nhân vay mua nhà, mua ô tô nên khi dịch bệnh Covid – 19 trở lại sẽ mang lại rủi ro nợ xấu cho ngân hàng.
Tỷ lệ nợ nhóm 3 – 5 của các khoản cho vay khách hàng đang cao hơn nhiều ngân hàng khác, ở mức 2.4%.
CTS đưa ra dự phòng đánh giá:
Một số giả định chính cho năm 2020: tăng trưởng tín dụng đạt 22% và tăng trưởng thu nhập dịch vụ tăng 15%. CTS ước tính lợi nhuận sau thuế 2020 của VIB đạt khoảng 3,870 tỷ đồng, tăng trưởng 18.5% và vượt kế hoạch đặt ra; EPS 2020E và BVPS 2020E lần lượt là 3,490 đồng và 15,500 đồng.
CTS sử dụng phương pháp định giá so sánh với P/B mục tiêu là 1.3 để định giá cổ phiếu VIB. Qua đó, ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VIB là 20,200 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định trên như là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU