Sự kiện hot
7 năm trước

Việt Nam có thể thiệt hại 1,27 tỷ USD/năm do giá than tăng

Việc giá than nhiệt năng quốc tế tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2016 có thể khiến Việt Nam phải chi thêm 1,27 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu than tính từ năm 2021, theo một phân tích mới của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Australia.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá than quốc tế, trong đó có giá than Newcastle của Australia, đã tăng gấp đôi lên gần 100 USD/tấn.

Năm 2016, Việt Nam nhập ròng 12 triệu tấn than, tăng đến 131% so với 5,2 triệu tấn năm 2015. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 35 triệu tấn than vào năm 2021.

Nếu tính theo thời giá hiện nay thì Việt Nam sẽ phải chi đến 3,5 tỷ USD để nhập khẩu than từ năm 2021 trở đi. Con số này cao hơn 1,27 tỷ USD so với những dự báo đưa ra vào năm 2016- khoảng 2.8 tỷ USD ở mức giá nhập khẩu 80 USD/tấn- theo tính toán của IEEFA.

Việt Nam có thể thiệt hại 1,27 tỷ USD/năm do giá than tăng. (Ảnh: Reuters)

Giá than tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy một sự đảo ngược tài khoản vãng lai mạnh mẽ đối với than đá, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong những năm trước đây.

Ông Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu Tài chính Năng lượng của IEEFA cho biết: "Sự biến động của thị trường năm 2017 đã minh họa mức độ mà than đá với tư cách là một mối đe dọa lớn có thể gây ra cho sức khoẻ của ngân sách Việt Nam.” "Việc tăng gấp đôi giá than nhiệt năng trong khoảng thời gian 2016 - 2017 làm nổi bật nguy cơ an ninh năng lượng mà nguồn tài nguyên này đặt ra cho các nhà hoạch định tài chính thận trọng."

"Đối với các nước có tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài, điều đó cũng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đa dạng hóa hệ thống sản xuất điện năng của Việt Nam để kết hợp thêm các nguồn cung cấp trong nước như năng lượng tái tạo."

Theo IEEFA, việc tăng nhập khẩu than sẽ tạo ra những rủi ro về giá cả hàng hóa và tiền tệ cho người tiêu dùng Việt Nam, tác động tiêu cực đến thâm hụt tài khoản vãng lai, một động lực đáng kể cho lạm phát nhập khẩu.

Ông Buckley nói: "Việt Nam cần tính toán để tránh bị mắc kẹt trong các các khoản đầu tư dài hạn mới vào nhà máy nhiệt điện than".

Giá điện mặt trời và điện gió ở Ấn Độ đã giảm gần 50% kể từ đầu năm 2016, đưa mức giá bán buôn xuống 38 USD/MWh. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu mới không thể cạnh tranh ở mức giá thấp như thế này.

Việc giá than tăng gấp đôi tính từ tháng 1 năm 2016 chủ yếu là do chính sách của Trung Quốc nhằm chuyển đổi thị trường than một cách có trật tự bằng cách duy trì mức độ lợi nhuận nhất định cho các công ty khai thác than trong nước. Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch. Chỉ tính riêng trong năm 2017 Trung Quốc sẽ lắp đặt 50 gigawatt điện mặt trời, một kỷ lục toàn cầu cho một quốc gia trong một năm.

Sự khó đoán định của thị trường than càng gia tăng sau sự sụp đổ gần đây của Tập đoàn Noble, đánh dấu sự chấm dứt một thị trường than tương lai khả thi.

Theo Buckley, đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện nay là cách làm khôn ngoan để tăng trưởng ổn định.

Số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam nhập khẩu 1.26 triệu tấn than trong tháng 10/2017 với giá trị nhập khẩu 161 triệu USD, tương đương 128 USD/tấn, tăng hơn 68% so với tháng 10 năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 800 triệu tấn than chất lượng thấp, đồng thời sản xuất thêm 500 triệu tấn than chất lượng cao vào năm 2020. Đây được cho là nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than đồng thời trợ giúp các công ty quốc doanh khai thác than đang ngập trong nợ nần của Trung Quốc.

Toàn Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: