Sự kiện hot
12 năm trước

Việt Nam hướng tới du lịch trách nhiệm

Tại Việt Nam, loại hình du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng quê…

Tại Việt Nam, loại hình du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng quê… nhằm bảo tồn tài nguyên, kéo cộng đồng vào cùng tham gia và hưởng lợi.

Ngoài việc tổ chức các tour, tuyến gắn thiên nhiên, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, Việt Nam đang có những bước đi mới hơn, đó là việc xây dựng các điểm bán hàng, các loại hình dịch vụ hay việc chung tay chống chèo kéo du khách… nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường.

Việt Nam vừa được Tạp chí Business Insider của Mỹ bình chọn vào top 10 tour tham quan rõ dấu ấn nền văn hóa địa phương độc đáo. Bên cạnh sự nổi tiếng này, Việt Nam vẫn canh cánh nỗi lo làm thế nào để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước “cơn lốc” thương mại hóa.

Hiện nay, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam cơ bản đã không còn thông tin chung chung hình ảnh quốc gia mà từng bước nghiên cứu thị trường, định vị thị trường trọng điểm và các phân khúc thị trường; định vị các dòng sản phẩm du lịch chính phù hợp với từng thị trường, phân khúc thị trường.

Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, kinh phí xúc tiến du lịch hàng năm từ ngân sách Nhà nước mới đạt mức 30 - 40 tỷ đồng, còn rất khiêm tốn so với yêu cầu thực tế và so với các nước trong khu vực. Kinh phí hạn hẹp đã hạn chế đến tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động quảng bá.

Chưa kể, cơ chế, định mức tài chính, thủ tục cấp phát kinh phí còn nhiều vướng mắc, bất cập. Công tác bảo tồn thiếu khoa học nên việc đô thị hóa, chạy theo thương mại hóa du lịch, các nét bản sắc bị mất nghiêm trọng, khiến du lịch Việt Nam đang ngày thụt lùi, bỏ xa khoảng cách cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cộng với tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tới những thiết chế văn hóa chưa được kiểm soát hiệu quả, thương mại hóa quá mức... đang khiến sản phẩm du lịch độc đáo không còn giữ được chất lượng cần thiết, đe dọa sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Đó là hệ quả của việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát, thiếu sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Ngành Du lịch đang phải đối mặt với hai vấn nạn, đó là nạn chèo kéo, ép khách và chương trình đưa giá trị văn hóa truyền thống vào phục vụ phát triển du lịch trước nguy cơ bị phá sản bởi quan điểm thực dụng”.

Dự án “Quảng bá du lịch bền vững tại các khu di sản thế giới miền Trung” (do Hãng Hàng không Asiana tài trợ thông qua Văn phòng UNESCO Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc) xem ra rất hiệu quả, đang mở ra cách thức du lịch bền vững gắn liền với di sản tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là điểm mạnh của du lịch Việt Nam để tăng sự đặc sắc, cạnh tranh với các nước vì chúng ta có bề dày lịch sử cùng hệ thống di sản phong phú.

Thế nhưng, trên thực tế, việc tiến hành liên kết du lịch vẫn chưa hiệu quả, vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, chụp giật, ăn xổi ở thì.
Rõ ràng, thực tế đang đặt ra bài toán khó đối với ngành Du lịch, trong đó cần tính toán để sự phát triển không gây phương hại đến các giá trị văn hóa, giá trị sinh thái, tài nguyên và môi trường.

Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Chi nhánh Vietravel miền Bắc cho biết: “Du lịch trách nhiệm không phải là một sản phẩm cụ thể nào cả, mà là người làm du lịch, đi du lịch và hưởng lợi từ du lịch phải thể hiện được trách nhiệm của mình với môi trường, cộng đồng và xã hội”.

Mai Châu
theo Thanh tra

Từ khóa: