Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp từ 1/6 - 5/6, Đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn làm trưởng đoàn, đã tham dự Cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội châu Âu nghiên cứu thực địa châu Á và lễ ký kết Hiến chương
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp từ 1/6 - 5/6, Đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn làm trưởng đoàn, đã tham dự Cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội châu Âu nghiên cứu thực địa châu Á và lễ ký kết Hiến chương thành lập “Nhóm lợi ích chung (GIP) - Hiệp hội Châu Âu nghiên cứu thực địa châu Á” (ECAF), diễn ra ngày 3/6 tại Paris, Pháp.
Ông Nguyễn Quang Thuấn (giữa) tham dự lễ ký kết. Ảnh: Lưu Ánh Tuyết/Vietnam+
Cuộc họp này nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy về khoa học xã hội, đặc biệt trên các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, tôn giáo... giữa các tổ chức thành viên của Hiệp hội này.
Cùng với Viện Viễn đông bác cổ Pháp, VASS là một trong những thành viên sáng lập và tham gia tích cực vào hoạt động của tổ chức này.
Theo bản Hiến chương GIP ECAF, các bên về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận trong việc cung cấp cách tiếp cận về thực địa và khuôn khổ thể chế ở châu Á vì lợi ích của các cán bộ chuyên môn và kỹ thuật, nghiên cứu sinh và sinh viên của các thành viên.
Các bên cũng đồng thuận phát triển những chương trình chung về nghiên cứu những môn học về nghiên cứu châu Á được quản lý bởi các thành viên; tối ưu hóa việc sử dụng các trung tâm nghiên cứu hiện có bằng cách thiết lập mạng lưới và chia sẻ tài liệu học tập và chi phí và tài liệu khác; và thúc đẩy đối thoại và hợp tác Âu-Á giữa các cộng đồng nghiên cứu của hai khu vực.
Nhân dịp này, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn và giáo sư, tiến sỹ Denis Pelletier, Hiệu trưởng Trường Cao học thực hành (EPHE) cũng ký Thỏa thuận Hợp tác giữa VASS và EPHE.
Theo Thỏa thuận hợp tác khoa học giữa VASS và trường EPHE, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác các nghiên cứu và giảng dạy trên nguyên tắc bình đẳng song phương và cùng có lợi trên các lĩnh vực nghiên văn hóa, Hán Nôm, khảo cổ.
Hai nhất trí sẽ phát triển một chương trình hợp tác chung với các nội dung: trao đổi các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, các ấn phẩm khoa học, tổ chức Hội thảo và các dự án nghiên cứu.
Trong thời gian đầu, sẽ tập trung ưu tiên cho cho một số ngành nhiên cứu tôn giáo, tập trung khai thác mở rộng về nghiên cứu chữ khắc cổ và xuất bản ấn phẩm với Viện nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu các tương tác giữa môi trường và xã hội và các hiệu ứng của sự chuyển hóa của chúng thông qua nghiên cứu các câu hỏi về thủy lực học (vùng châu thổ sông Mekong) và tâm lý học (tâm lý học tập tính và của sự phát triển).
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ ký kết thêm một thỏa thuận chung cho những chuyên ngành mới có kết quả tốt trong tất cả các hình thức hợp tác khoa học.
Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn cho biết, việc tham gia Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của ECAF, và đặc biệt ký kết Hiến chương thành lập nhóm GIP – ECAF là văn bản “rất quan trọng” nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hợp tác nghiên cứu thực địa về châu Á của hiệp hội ECAF.
Lê Hà
theo Vietnam+