Sự kiện hot
2 năm trước

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các thị trường tiềm năng về bất động sản hàng hiệu

Trong bối cảnh những biến động vĩ mô xảy ra liên tục trên phạm vi toàn cầu, bất động sản hàng hiệu (branded residences) vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi và thích ứng nhằm phù hợp với thị trường. Không chỉ duy trì sức hấp dẫn trong giai đoạn đầy thách thức, mô hình này còn ghi nhận tốc độ phát triển ấn tượng đạt mức 150% trong 10 năm qua. Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt về nguồn cung của bất động sản hàng hiệu trên thế giới.

Thị trường branded residences trên thế giới hiện có khoảng 640 thương hiệu, với 100,000 sản phẩm. Sự phát triển này dự kiến sẽ tiếp tục, với nguồn cung ước tính vượt 1,100 thương hiệu vào năm 2027, gấp đôi số lượng hiện có. Các dự án nhà ở có thương hiệu tập trung tại các thành phố đang phát triển với nhiều hoạt động kinh tế, các điểm đến nghỉ dưỡng tại Châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Khu vực Trung Đông và Châu Á – Thái Bình Dương là những điểm nóng thu hút đầu tư bất động sản hàng hiệu, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự hình thành của tầng lớp thu nhập cao. Báo cáo Branded Residences từ Bộ phận Nghiên cứu Savills toàn cầu cho thấy, các khu vực này đã ghi nhận mức tăng trưởng về nguồn cung lần lượt là 400% và 216% trong vòng 10 năm qua và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tương lai. 

Mô hình này được đánh giá đem đến nhiều giá trị cho các thị trường mới, khi các thương hiệu quốc tế đang tích cực gia tăng độ hiện diện trên toàn cầu, đặc biệt tại các điểm đến có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt cùng với sự hình thành của tầng lớp thu nhập cao. Khác với hình thái thị trường thời gian trước khi thị phần chủ yếu của branded residences là các thương hiệu quản lý khách sạn như Four Seasons, The Ritz-Carton, Marriot hay Accor. Thị trường hiện nay đã phát triển hơn, với sự gia nhập của các thương hiệu không phải khách sạn như YOO, Trump hay Giorgio Armani. Điều này cho thấy branded residences đang tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu người mua.

Khảo sát về thị trường nhà ở toàn cầu của Savills công bố tháng 12/2022 cho thấy, dưới tác động của đại dịch Covid, khái niệm hybrid living đã trở thành xu hướng sống mới, đặc biệt đối với cá nhân có thu nhập cao. Họ sẽ dành nhiều thời gian sống tại ngôi nhà thứ hai của mình hơn và biến địa điểm đó thực sự thành nơi sinh sống thứ hai hơn là điểm nghỉ dưỡng như trước kia. Do đó họ kỳ vọng ngôi nhà của mình có diện tích lớn hơn với không gian và dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn. Các không gian sân vườn, ban công rộng rãi, vị trí thuận lợi đi kèm với các tiện ích thể thao cũng là các yếu tố khác được quan tâm.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bền vững cũng đóng vai trò quan trọng, các chủ đầu tư và các thương hiệu đang nỗ lực đưa ra các mô hình giảm thiểu được tác động tới môi trường và tập trung tới các yếu tố về sức khỏe để thu hút giới nhà giàu.

Theo báo cáo Branded Residences của Savills, 3 thị trường đứng đầu toàn cầu về bất động sản hàng hiệu trong năm 2022 là Dubai, South Florida và New York. Các thị trường có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực này còn có Việt Nam, Mỹ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Mexico, với số lượng thương hiệu nổi tiếng gia nhập thị trường trong tương lai lớn nhất, ước tính hơn 30 thương hiệu tại mỗi quốc gia.  

Theo đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng và làm việc, chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của nhóm người giàu trong nước, với số lượng cá nhân thu nhập cao trong năm năm qua đã tăng gần 86%, nhu cầu sở hữu và đầu tư mô hình branded residences vì thế càng mở rộng.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người mua sẽ tìm kiếm những tài sản đảm bảo được giá trị đầu tư lâu dài, đây cũng đồng thời là một trong những lợi thế của nhà ở có thương hiệu. Những thương hiệu nổi tiếng và được công nhận toàn cầu sẽ mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý. Do vậy, đây sẽ là thời điểm tốt để phát triển phân khúc bất động sản này và hưởng lợi từ các trải nghiệm toàn cầu mà những thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp mang lại.”

Tại Việt Nam, branded residences có nhiều tiềm năng, và đang gia tăng hiện diện không chỉ tại các điểm đến nghỉ dưỡng mà còn ở trung tâm các đô thị. Giám đốc Savills cho biết, từ góc độ các thương hiệu, mô hình này giúp thương hiệu mở rộng khả năng thâm nhập các thị trường mới và mở rộng danh mục dự án. Sự hợp tác với các thương hiệu cũng hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án được nhận diện tốt hơn. Đánh giá về nguồn cầu, nhu cầu của branded residences tại Việt Nam chủ yếu là căn hộ 3-4 phòng ngủ với diện tích lớn dành cho gia đình. Tuy nhiên thị trường cũng ghi nhận nhu cầu với các căn hộ hai phòng ngủ từ các gia đình trẻ và cặp đôi. Có thể thấy rằng, sự hình thành tệp khách hàng trẻ tuổi, sở hữu khối tài sản lớn, ưa dịch chuyển là động lực thúc đẩy sự phát triển của branded residences.

Bên cạnh đó, tại thị trường Việt Nam, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến mô hình này nếu quá trình hoạch định không được thực hiện một cách thấu đáo. Các thông tin về việc nhiều dự án chậm tiến độ cũng như các vấn đề về thực hiện cam kết tài chính đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường ngôi nhà thứ hai. Trong bối cảnh nguồn cầu sụt giảm và nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, những dự án với các cam kết “quá lý tưởng” đang gặp nhiều thách thức để hiện thực hóa các cam kết này.

Dự báo của Oxford Economics cho biết, trong 5 năm tới, Châu Mỹ, Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Âu là những khu vực sẽ có sự tăng trưởng lớn nhất về số lượng gia đình có thu nhập cao. Kéo theo đó là nhu cầu tăng cao của các cá nhân sở hữu tài sản lớn tìm kiếm các dự án nhà ở có thương hiệu. Theo Savills, các điểm nóng của thị trường branded residences trong tương lai với mức tăng trưởng mạnh mẽ có thể kể đến Jakarta, Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các thành phố đang phát triển như thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm branded residences được dự kiến sẽ cao hơn. Do nguồn cung hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về thiết kế cũng như dịch vụ của lớp mới các cá nhân sở hữu tài sản lớn. Từ đó, mở ra cơ hội đầu tư cho các sản phẩm hạng sang và các thương hiệu lâu đời, sở hữu số số lượng khách hàng trung thành lớn.

Sau nhiều năm phát triển, branded residences đã chứng tỏ được khả năng thích ứng của mình đối với các điều kiện thị trường, mang tới chất lượng được đảm bảo cho khách thuê với tiềm năng lợi nhuận hấp dẫn cho chủ đầu tư cũng như thương hiệu. Với số lượng nguồn cung tương lai lớn, vị trí đa dạng đi kèm những cam kết phát triển từ chủ đầu tư và thương hiệu, phân khúc này được kỳ vọng sẽ tiếp đà phát triển trong tương lai.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: