Sự kiện hot
4 năm trước

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản: Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất?

Nếu Vietnam Airlines phá sản, các ngân hàng có nguy cơ mất một phần vốn đã cho vay, đặc biệt là với các khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Những chủ nợ lớn của Vietnam Airlines

Trong quý I/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) lỗ ròng gần 5.000 tỷ và đang chậm thanh toán khoảng trên 6.000 tỷ cho các chủ nợ, chưa kể số đã được giãn thời hạn trả.

Nếu cứ tiếp tục chậm trả nợ, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể bị chủ nợ yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

Báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines không nêu chi tiết các chủ nợ của mình là ai. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, Vietcombank (Mã: VCB) là ngân hàng cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất với khoảng 2.700 tỷ đồng ngắn hạn và 4.800 tỷ đồng dài hạn.

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản: Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất? - Ảnh 1.

BIDV (Mã: BID) là chủ nợ lớn thứ hai với khoảng 1.100 tỷ ngắn hạn và 1.500 tỷ dài hạn. Các khoản cho vay ngắn hạn của các nhà băng đều không có tài sản đảm bảo.

Tổng cộng tại ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines đang vay ngân hàng ngắn hạn và dài hạn 15.789 tỷ đồng, nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ.

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản: Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất? - Ảnh 2.

Các chủ nợ thuê tài chính lớn nhất của Tổng công ty này là Tập đoàn ING (hơn 8.100 tỷ), ngân hàng Citibank (gần 5.800 tỷ), các ngân hàng MUFG (gần 1.700 tỷ), JP Morgan Chase (gần 1.300 tỷ), HSBC (gần 1.200 tỷ), Credit Agricole (225 tỷ) và Công ty TNHH Viettel-CHT 2,6 tỷ.

Tại ngày cuối quý I năm nay, tổng vay ngân hàng và nợ thuê tài chính của Vietnam Airlines là hơn 34.300 tỷ.

Khả năng thanh toán và thanh khoản đều nguy ngập

Trong quý I/2021, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 4.975 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3 là hơn 14.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.030 tỷ, tức chưa đầy 2% tổng tài sản.

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản: Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất? - Ảnh 3.

Theo một dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) ít ngày trước, Vietnam Airlines có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tức là số lỗ của riêng quý II có khả năng lên tới trên 5.000 tỷ.

Kịch bản bết bát này là hoàn toàn khả thi. Số lỗ gần 5.000 tỷ đồng của quý I được ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đợt 3 đúng vào đợt cao điểm Tết Tân Sửu, làm sụt giảm nhu cầu thăm thân. Sang quý II, dịch tiếp tục bùng phát thêm đợt 4 với số ca nhiễm lớn hơn cả ba đợt trước cộng lại, khiến cho lượng khách đi du lịch nghỉ mát sa sút.

Nếu Vietnam Airlines lỗ thêm 5.000 tỷ nữa như dự báo thì vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 sẽ âm khoảng 4.000 tỷ.

Con số thua lỗ và vốn chủ âm chỉ là các thước đo về khả năng thanh toán (solvency). Doanh nghiệp có thể thua lỗ triền miên hết năm này qua năm khác, vốn chủ có thể âm hàng chục nghìn tỷ nhưng công ty không bị phá sản nếu vẫn đảm bảo được thanh khoản (liquidity).

Nói cách khác, chừng nào doanh nghiệp vẫn có tiền để trả nợ hoặc đàm phán được với chủ nợ để thì chừng đó doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động tiếp.

Tuy nhiên với Vietnam Airlines, tình hình thanh khoản cũng nguy ngập không kém. Bộ KH & ĐT cho biết số nợ quá hạn của Tổng công ty này tính đến tháng 6/2021 đã lên tới 6.240 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, số nợ quá hạn là 6.640 tỷ, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả.

Bộ KH & ĐT nhận định Tổng công ty này "đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản".

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản: Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất? - Ảnh 4.

Tàu bay Vietnam Airlines trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa. (Ảnh: Song Ngọc).

Khi một doanh nghiệp phá sản, toàn bộ tài sản sẽ được bán thanh lý. 

Các chi phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục phá sản sẽ được trả đầu tiên, sau đó trả các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, kế đó trả đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và rồi mới trả nợ cho các chủ nợ không có bảo đảm.

Sau khi hoàn thành hết các nghĩa vụ nói trên, nếu vẫn còn tiền thì chủ sở hữu sẽ chia nhau theo tỷ lệ góp vốn.

Thông thường, tiền chỉ thanh toán đến các chủ nợ là hết sạch, không đủ để trả nợ. Bên cho vay thường phải chấp nhận mất một phần vốn theo một tỷ lệ gọi là haircut. Nếu tỷ lệ haircut là 20% thì có nghĩa là chủ nợ cho vay ra 10 đồng nhưng chỉ thu về được 8 đồng.

Tất nhiên khi chủ nợ còn phải mất một phần vốn thì cổ đông sẽ mất sạch số tiền đã góp, hay nói theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là "cái nịt cũng không còn".

Nếu vốn chủ sở hữu âm, tức là giá trị sổ sách của tài sản nhỏ hơn nợ, thì khả năng còn dư tiền cho cổ đông lại càng thấp.

Cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 86,2%. Nhà nước đã ban hành các chính sách đặc thù để giải cứu cho Tổng công ty hàng không này. 

Cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn 0% nếu cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được Quốc hội cho phép phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng mà không cần phải thỏa mãn yêu cầu làm ăn có lãi trong năm trước năm chào bán như quy định trong Luật Chứng khoán 2019.

Các hãng bay tư nhân như Vietjet Air và Bamboo Airways không được hưởng các chính sách ưu đãi nói trên.

Các nhà đầu tư và chủ nợ của Vietnam Airlines có lý do để hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục có biện pháp đặc thù để giải cứu, không để Tổng công ty này rơi vào phá sản thật.

Song Ngọc - Đức Quyền

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: