Việc bán toàn bộ vốn nhà nước của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm 2018 là không dễ, bởi sức hấp dẫn của ngành dệt may không còn như trước, trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Việc bán vốn nhà nước tại Vinatex sẽ không dễ dàng bởi một loạt yếu tố không thuận vẫn đang bủa vây ngành dệt may
Vinatex nằm trong nhóm 55 doanh nghiệp sẽ được chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và SCIC sẽ có trách nhiệm thực hiện thoái 53,48% vốn của Nhà nước tại Vinatex trong năm 2018.
Vinatex đã chính thức cổ phần hóa từ tháng 1/2015, với vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước chiếm tới 53,49% (2.675 tỷ đồng).
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, việc thoái vốn nhà nước khỏi tập đoàn này là điều cần thiết và càng nhanh càng tốt để Tập đoàn nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường dệt may toàn cầu đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, việc bán vốn nhà nước tại Vinatex sẽ không dễ dàng trong năm tới, bởi một loạt yếu tố không thuận vẫn đang bủa vây ngành này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) nhận định: “Tôi cho rằng, việc bán vốn nhà nước tại Vinatex rất khó trong giai đoạn này, bởi sức hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam hiện đã kém hơn trước nhiều. Trước đây còn có những nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư để ý, định đầu tư lớn vào ngành may, nhưng sau khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội thị trường kém đi, thì sự quan tâm với ngành này cũng bớt đi”.
Ông Dương chia sẻ thêm, thời điểm này là đáy của thị trường ngành may mặc, trong khi lương đối với ngành dệt may tăng liên tục, tỷ suất lợi nhuận kém. Với thực tế đó, ngành may Việt Nam rất khó cạnh tranh và các nhà đầu tư ít quan tâm đến lĩnh vực may mặc trong giai đoạn này.
Tìm kiếm nhà đầu tư cùng ngành nghề, có năng lực nổi trội để hỗ trợ Tập đoàn phát triển thị trường, công tác quản trị và tiêu thụ sản phẩm để quy mô Tập đoàn không ngừng mở rộng trong giai đoạn tới là “khao khát” của Vinatex trong suốt thời gian qua.
Điều này cũng được lãnh đạo Tập đoàn thừa nhận, với tham vọng trong 3 - 4 năm tới, đưa quy mô vốn của Tập đoàn tăng từ 5.000 tỷ đồng hiện tại lên 10.000 - 15.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vinatex, dù khó khăn đến đâu thì việc bán vốn cũng phải luôn đảm bảo tính hiệu quả và tránh làm thất thoát tài sản nhà nước. Đây là một câu chuyện lớn với Tập đoàn. “Chúng tôi lo ngại rằng, cách nhìn của những người nắm quyền để bán vốn nhà nước khác với doanh nghiệp. Đây sẽ là một điểm nghẽn trong việc thoái vốn”, ông Dương nói.
Với quyết tâm cao, Vinatex đang muốn có sự thay đổi lớn nhằm tạo bước phát triển đột phá. “Chúng tôi mong muốn nhanh chóng thoái hết vốn nhà nước tại Vinatex. Khi đó, Tập đoàn mới chủ động trong điều hành”, đại diện Vinatex cho biết.
Trong nửa đầu năm nay, Vinatex đạt doanh thu 8.164 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 316,6 tỷ đồng, tăng 4,5%. Tổng tài sản của Vinatex đạt 20.995 tỷ đồng, tăng 6%, nhưng hàng tồn kho tăng hơn 400 tỷ đồng, lên 3.623 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Vinatex là tổng doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 749 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Tập đoàn mới hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thế Hoàng
Theo Báo đầu tư