Số lượng đăng kí mua lại cổ phiếu quĩ tối đa của VPBank là 5% số lượng cổ phiếu lưu hành tương đương gần 122 triệu cổ phiếu.
Dự kiến mua lại tối đa 122 triệu cổ phiếu quĩ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây có thông báo về việc Hội đồng Quản trị (HĐQT) trình cổ đông cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, HĐQT VPBank trình đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua phương án mua lại cổ phiếu của ngân hàng làm cổ phiếu quĩ. Trên cơ sở đó, tùy tình hình thị trường và nguồn lực của ngân hàng, HĐQT sẽ chủ động việc đưa ra quyết định phù hợp,
Theo đó, tổng số lượng đăng kí mua lại cổ phiếu quĩ tối đa là 5% số lượng cổ phiếu lưu hành tương đương gần 122 triệu cổ phiếu.
Mục đích mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ là giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông… Phương thức giao dịch theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nguồn vốn sử dụng là nguồn lợi nhuận chưa phân phối của VPBank theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán/soát xét thời điểm gần nhất trước khi thực hiện.
Thời gian dự kiến giao dịch là sau khi được UBCKNN chấp thuận hồ sơ mua cổ phiếu quĩ của ngân hàng và ngân hàng đã thực hiện công bố thông tin theo qui định nhưng không quá 30 ngày bắt đầu thực hiện giao dịch.
Mua lại tối đa mua lại tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế
Bên cạnh đó, HĐQT ngân hàng cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án mua lại trái phiếu đã phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note và đã niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
Cụ thể, vào háng 6/2019, ĐHĐCĐ VPBank đã thông qua phương án chào bán trái phiếu quốc tế phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN). Theo đó, ngân hàng đã thực hiện phát hành thành công đợt 1 với tổng mệnh giá trái phiếu 300 triệu USD.
Do khủng hoảng toàn cầu liên quan tới dịch COVID-19, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quốc tế (Eurobond) bị bán tháo mạnh nên trái phiếu quốc tế của VPBank phát hành theo chương trình EMTN đăng kí tại Sở giao dịch Chứng khoán Singapore đang ở mức giá (và mức lợi suất tương đương) cao hơn nhiều thời điểm phát hành.
Việc này có thể là điểm bất lợi cho VPBank trong việc huy động các nguồn vốn khác trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản vay tài trợ từ các quốc tế với mức lãi suất thấp hơn nhiều.
Theo VPBank, việc mua lại trái phiếu đã phát hành tạo điều kiện cho VPBank có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế sau này khi cần thiết và khi thị trường quốc tế ổn định trở lại.
Giảm tỉ lệ sở hữu nước ngoài xuống mức 15%
Hiện nay, tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank theo số liệu đã đăng kí với UBCKNN là 22,77%.
Trong thời gian qua, cuộc khủng hoảng tài chính từ ảnh hưởng của dịch bệnh, các quĩ đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Mỹ và châu Âu) có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán châu Á.
Một số cổ đông nước ngoài của VPBank không nằm ngoài xu hướng này, dẫn đến một lượng cổ phiếu bị bán ra. Hiện tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ giảm khoảng 0,34% so với mức chốt trên. Tình hình dịch bệnh toàn cầu chưa được cải thiện thì xu hướng này chưa dừng lại.
HĐQT nhận thấy đây cũng là cơ hội để VPBank xin giữ lại tỉ lệ sở hữu nước ngoài, nhằm mục đích chào bán cho các cổ đông nước ngoài khác muốn đầu tư vào ngân hàng khi thị trường tài chính thực sự quay lại ổn định, từ đó, có cơ hội tạo ra thặng dư vốn trực tiếp cho ngân hàng.
Theo đó, HĐQT trình cổ đông thống nhất giảm tỉ lệ sở hữu nước ngoài xuống mức 15%. Trong tương lai, nếu tình hình thực tế diễn biến khác, để HĐQT có thể chủ động trong việc quyết định các vấn đề có liên quan, đề nghị ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT cân nhắc quyết định mức tăng/giảm tỉ lệ sở hữu này, phù hợp với thực tế của thị trường và ngân hàng, đảm bảo tuân thủ qui định của pháp luật.
Ngoài ra, VPBank cũng trình cổ đông thông qua chủ trương tổ chức đại hội trực tuyến, lấy ý kiến cổ đông trực tuyến, gửi thư mời/tài liệu lấy ý kiến…. bằng cách gửi tới địa chỉ thư điện tử cổ đông.
Thu Hoài
Theo Kinh tế & Tiêu dùng