Trong quí I/2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 2.912 tỉ đồng, tăng hơn 63% so với cùng kì năm 2019. Tăng trưởng cho vay trong 3 tháng đầu năm đạt 2,6% trong khi nợ xấu giảm xuống còn 3,03%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quí I/2020 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.912 tỉ đồng, tăng hơn 63% so với cùng kì năm 2019. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ là 2.074 tỉ đồng và của công ty FE Credit là 917 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.314 tỉ đồng, tăng 62,7%.
Trong quí I vừa qua, tất cả mảng kinh doanh của VPBank đều ghi nhận sự khởi sắc. Trong đó, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng trưởng 14,2%, mang về 8.021 tỉ đồng; hoạt động dịch vụ tạo ra khoản lãi thuần 695 tỉ đồng, tăng 33,4%; kinh doanh ngoại hối cũng chuyển từ lỗ gần 37 tỉ đồng trong năm trước xuống còn lỗ hơn 500 triệu đồng.
Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng mạnh, đạt 218 tỉ đồng, gấp hơn 87 lần cùng kì năm trước. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cũng tăng trưởng 208% với hơn 521 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động không thường xuyên cũng mang về cho VPBank khoản lãi gần 451 tỉ đồng, tăng gần 60% so với quí I/2019.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập VPBank đạt hơn 9.900 tỉ đồng, tăng 24,4%. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 10,3%, qua đó giúp lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng 32,8% lên 6.623 tỉ đồng.
Sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận thuần đã giúp VPBank có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 63% bất chấp việc phải tăng chi phí trích lập dự phòng gần 16% với 3.712 tỉ đồng.
Tính tới 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 4,2% lên 393.209 tỉ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 2,6% đạt 263.748 tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 1,1% với 215.716 tỉ đồng.
Tính đến cuối quí I/2019, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của VPBank ở mức 7.984 tỉ đồng, giảm 9,3%. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay của ngân hàng giảm từ 3,42% xuống 3,03%.
Theo cho biết từ ngân hàng, tại thời điểm cuối tháng 3, tỷ lệ CAR theo Thông Tư 41 của ngân hàng đạt 11,1%, vượt 3% so với mức tối thiểu 8%. Tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 28,7%, cách xa ngưỡng 40% qui định của Ngân hàng Nhà nước.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng