Theo KBSV, quý III/2022, hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mức nền thấp trong quý III/2021 với thu nhập lãi thuần đạt 10.385 tỷ đồng (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,8% so với quý trước đó); lợi nhuận trước thuế đạt 4.514 tỷ đồng (tăng 8,1% so với quý trước, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, mặc dù tổng tăng trưởng dư nợ tối đa cho năm 2022 được cấp cho là 26.2%, cao nhất hệ thống, tuy nhiên theo quan điểm của KBSV, trong 3 tháng cuối năm VPB sẽ thận trọng giải ngân đề cao quản trị rủi ro dựa trên các yếu tố tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô, thị trường trái phiếu, bất động sản cùng với mức lãi suất tăng cao sẽ tăng rủi ro phát sinh nợ xấu.
Cũng theo KBSV, LDR thị trường 1 của VPB đang khá cao, đạt 116% do trong quý III/2022 tiền huy động khách hàng của VPB giảm 6,2% so với quý trước do ảnh hưởng của cuộc đua tăng lãi suất. Theo quan điểm của KBSV, LDR của VPB sẽ được cải thiện trong quý IV/2022 khi mặt bằng lãi suất huy động của VPB đã tăng lên đáng kể để thu hút khách hàng gửi tiền.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 22.600 đồng/CP, cao hơn 38,7% so với giá tại ngày 11/11/2022.
Như Nguyệt
Theo KTĐU