Sự kiện hot
8 năm trước

Vụ hàng chục biệt thự “khủng” xây dựng trên đất nông nghiệp tại Đầm Trị: Nhà của ai, trách nhiệm của ai?

Không phải nghiễm nhiên mà hàng chục biệt phủ có kiến trúc Đông, Tây, Kim cổ được xây dựng sai phép, không phép xung quanh khu vực hồ Đầm Trị (Tây Hồ), mà lại không có sự đồng tình hay “vào cuộc” trước đó của các cơ quan chức năng. Bàn tay nào đã “che kín” để các biệt thự này được phép mọc lên tại đây, ai sẽ trả lời được câu hỏi, nhà của ai mà lại được xây dựng “hoành tráng” trên đất nông nghiệp? Và trách nhiệm thuộc về ai, khi để những sai phạm lớn, nghiêm trọng như vậy xảy ra giữa Thủ đô?

Gần đây dư luận lại xôn xao về việc hàng chục “biệt phủ” ngang nhiên được xây dựng sai phép, không phép tại khu hồ Đầm Trị, phường Quảng An (Tây Hồ - Hà Nội). Điều đáng nói là các biệt phủ này hầu hết đều được xây dựng trên đất nông nghiệp, mà theo người dân, đất này chỉ được kê khai và đóng thuế đất hàng năm. Những sai phạm chỉ được phát hiện khi có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí.

Hiện UBND phường Quảng An đang phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường điều tra, làm rõ những sai phạm tại khu hồ Đầm Trị.

Trả lời về những trắc ẩn xung quanh vấn đề này, trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch phường Quảng An cũng thừa nhận, có việc xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp nhưng không nhiều. Tuy nhiên, khi được hỏi, con số không nhiều là bao nhiêu thì ông Hồi lại từ chối không cung cấp thông tin cụ thể. Khu vực hồ Đầm Trị có diện tích khoảng 11.500 m2, ao Đầm Trị có diện tích gần 70.000 m2.

Ông Hồi cũng cho biết, ở Đầm Trị không chỉ có đất nông nghiệp mà có cả đất ở xen kẽ. Hiện UBND phường đang làm việc với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường để tiến hành khảo sát, thống kê và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND quận.

Liên quan đến trách nhiệm của UBND phường trong việc để hồ Đầm Trị bị lấn, có nhiều công trình xây dựng không phép, ông Hồi cho biết, những công trình xây dựng nhà biệt thự và nhà chòi trên hồ có từ trước năm 2010, nhưng ông mới về nhận nhiệm vụ tại phường Quảng An từ năm 2013, nên vấn đề này ông không nắm rõ.

Như vậy, có thể thấy việc vi phạm tại khu hồ Đầm Trị đã diễn ra từ rất lâu, nhưng không hề được xử lý. Điều này đã đặt ra câu hỏi về vai trò của lực lượng chức năng ở đâu?

Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ: Vấn đề ở đây là năng lực quản lý. Hiện pháp luật mới chỉ quy định về việc cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ đối với cấp quận. Mặt khác, lực lượng địa chính xã, lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện rất đông đảo, người dân chỉ cần chở một xe gạch hoặc xe cát là họ đã biết. Vậy tại sao để những công trình ngang nhiên mọc lên mà không kiểm soát? Trách nhiệm ở đây chính là việc quản lý địa bàn quận, xã, phường.

Về xử lý vi phạm, trao đổi với phóng viên Luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho biết: Theo các quy định pháp luật, khi xác định được đất thuộc quyền sử dụng của người vi phạm hay đất lấn chiếm thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Về hành chính, trường hợp, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, người sử dụng đất đã tự ý xây dựng các công trình khi chưa được cấp phép hoặc xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng. Đối với hành vi này, trong trường hợp vi phạm còn có hiệu lực pháp luât thì việc xử lý hành vi vi phạm sẽ căn cứ vào quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013. Cụ thể: Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”.

Ngoài hình thức phạt tiền như trên thì người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 5 của Nghị định nêu trên bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm kể cả trường hợp vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt tiền.

Đối với hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014. Về hình sự, nếu xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.

Còn đối với người có trách nhiệm quản lý đất đai, căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, nếu người có trách nhiệm trong việc quản lý đất đai mà có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn giao đất thu hồi đất, cho thuê, cho phép sử dụng đất trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Hiện các hộ dân sống lâu năm tại khu vực xóm chùa, phường Quảng An vẫn đồn tai nhau rằng, để xây dựng được những biệt phủ hoành tráng như cung vua, chúa vậy, ắt phải là những người có “máu mặt”, hoặc không cũng là quan chức, người có địa vị trong xã hội. Cũng có thông tin cho rằng, để xây nhà trên đất nông nghiệp, người dân phải nộp cả tiền chục, thậm chí tiền trăm cho người làm “luật” hay còn gọi là “bảo kê”…

Tuy nhiên, thực tế thế nào, có lẽ vẫn phải đợi kết luận từ các đoàn thanh tra, kiểm tra của các sở ban ngành thành phố. Hy vọng, sự thật sẽ sớm được phơi bày, và người dân cũng sẽ sớm biết được nhà xây sai phép là của ai, được xử lý như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai?

Trần Anh
Theo Xây dựng

Từ khóa: