Sự kiện hot
2 năm trước

Vụ việc lừa đảo mở Ngân hàng ngoại hối: “Việc chậm trễ khởi tố bị can có thể khiến đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản”

Luật sư Quách Thành Lực đã có nhận định như vậy sau khi xem xét kỹ Đơn, hồ sơ mà các nạn nhân của Phùng Thị Nghệ gửi tới.

Xin tóm tắt vụ việc: 

Tháng 7/2021, Cơ quan Công an TP HCM đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự số 619-01 “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP HCM. 

Căn cứ vào Đơn tố giác về tội phạm của bà Trương Bạch Tuyết, bà Nguyễn Nhật Linh và một số cá nhân cùng tố cáo Phùng Thị Nghệ, Nguyễn Trần Minh Quân có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền, xảy ra tại TP HCM. Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự; Căn cứ Điều 36, Điều 143, khoản 1 Điều 154 Bộ Luật Tố tụng hình sự, cơ quan Công an TP HCM đã ban hành quyết định khởi tố vụ án.

Cho đến ngày 23/11/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM đã ban hành quyết định số 876/QĐ-VKS-P3 Quyết định gia hạn điều tra vụ án hình sự (lần thứ nhất). Thời hạn gia hạn là 4 tháng kể từ ngày 30/11/2021 đến ngày 30/3/2022.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng trôi qua, hiện vụ án đang phải gia hạn điều tra, vì chưa xác định được đối tượng phạm tội. Phía cơ quan công an cũng chưa tiết lộ thêm nhiều thông tin về vụ việc.

Được biết, đây là vụ án có tính chất phức tạp, khi nạn nhân là bà Trương Bạch Tuyết (quận 7, TP HCM) cho rằng mình đã bị Phùng Thị Nghệ (quận 7, TP HCM) lừa hàng trăm tỷ đồng, cho đến nay bà Tuyết không thể liên hệ được với Phùng Thị Nghệ yêu cầu trả tiền. 


Hình ảnh bà Phùng Thị Nghệ, người được cho là có liên quan đến vụ án mà cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án tháng 7/2021.

Theo điều 143. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự đó là vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Khái niệm tội phạm được nêu rõ tại khoản 1 điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.


Quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến Phùng Thị Nghệ.

Bàn luận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: “Trong các vụ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như vụ việc này một khi cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định có dấu hiệu tội phạm thì việc xác định người thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn không gặp khó khăn đáng kể. 

Bản thân các bị hại đã có bằng chứng chuyển tiền qua ngân hàng, giấy xác nhận nợ, vi bằng. Đến nay các bị hại đã không được trả lại tiền, họ mất quyền kiểm soát với tài sản, bị tước đoạt một cách trái pháp luật quyền sở hữu. Người chiếm đoạt tiền có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể xác định được thông qua việc gặp gỡ, trao đổi, dụ dỗ lừa dối những người có tài sản lớn, không ngoan.

Người nhận tiền đã đưa ra các thông tin không có thật về việc thành lập Ngân hàng (đối chiếu với các thông tin công khai về danh sách các Ngân hàng được thành lập mới được ghi nhân trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhà nước không có ngân hàng nào mang tên Ngân hàng ngoại hối Việt Nam. Do vậy dễ dàng xác định đây là thông tin giả mạo, gian dối. Nhìn lại lịch sử tố tụng, năm 2008 cùng với thủ đoạn góp tiền mua cổ phần Ngân hàng Hồng Việt mà Lê Quang Hưng đã bị cơ quan Công an thành phố Hà Nội khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị phát lệnh truy nã trên toàn quốc.

Như vậy các dấu hiệu về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan để xác định hành vi phạm tội trong vụ án này đã rất rõ ràng. Không nói quá rằng vụ án này người chiếm đoạt tài sản, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được xác định tương đối rõ nét trong hồ sơ vụ việc”.


Nhiều tháng trôi đi, bà Trương Bạch Tuyết không thể liên hệ được với Phùng Thị Nghệ yêu cầu trả tiền nên đã gửi Đơn tới cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh.

Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) đã quy định thêm hành vi mới của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đó là tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Đây chính là một bước hoàn thiện rõ rệt của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999. 

Trên cơ sở đó, xem xét đến hành vi của người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng hợp pháp (như: vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó khi đến thời hạn trả lại tài sản đó mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Hành vi “cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi này làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình trên thực tế và tạo cho chủ thể (vay, mượn, thuê… tài sản) khả năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó như tài sản của mình. 


Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Như vậy, hành vi đó là hành vi chiếm đoạt và mang bản chất của hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (hành vi này chưa được quy định là một hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm tài sản chính là một bất cập của Bộ luật Hình sự năm 1999). Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa hành vi nói trên là một bước tiến rõ rệt trong việc hoàn thiện các quy định của luật hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Không chỉ là một bước hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà qua đó còn tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh với các thực trạng đang rất “nóng bỏng” hiện nay như: “quỵt nợ”, “vỡ nợ tín dụng”,…

Khoản 1, điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Khởi tố bị can như sau: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Với những bằng chứng, tài liệu rõ nét về việc cá nhân thực đã thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, căn cứ xác định người thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội nên cơ quan thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố bị can mà không nhất thiết gia hạn thêm thời gian. 

Trường hợp người bị tố giác cố tình trốn tránh thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra thông báo truy tìm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp tố tụng tìm kiếm, dẫn giải người này để phục vụ các hoạt động điều tra. Việc chậm trễ khởi tố bị can có thể khiến người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm tẩu tán tài sản, khiến cho người bị hại không thể thu hồi được tài sản”, Luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Nguồn: Pháp luật Plus

Từ khóa: