Phương án trên được đưa ra khi thực tế số thiết bị sử dụng xăng A83 không còn nhiều. Hơn nữa, phương án này cũng là để tránh việc xăng A83 có thể bị các đối tượng pha trộn làm giả xăng A92, A95 trên thị trường.
Xăng A83 có thể sẽ bị khai tử
Vào hồi tháng 11/2011, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) phát hiện 11 cửa hàng trên tổng số 55 cửa hàng bán xăng dầu tại TP. HCM có chỉ số octan thấp hơn so với quy định. Điều đáng nói là ở đây có sự nhập nhèm phẩm cấp xăng có chỉ số octan chất lượng thấp bán với giá xăng A92 và A95. Nhiều người nghi ngờ ở đây đã có sự pha trộn giữa loại xăng phẩm cấp thấp hoặc "treo biển" xăng A92 nhưng thực chất là xăng A83 để móc túi người tiêu dùng. Với chênh lệch 500 đồng/lít, loại xăng có trị số octan thấp này đã được các cửa hàng bán với mác xăng A92.
Trước đây đã có quy định các phương tiện vận tải không được sử dụng xăng A83 và thực tế ở các thành phố lớn, không còn cây xăng nào treo biển bán xăng A83. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong nước vẫn được phép sản xuất loại xăng này và công khai tiêu thụ ra thị trường. Mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn tấn xăng gian lận phẩm cấp, "đội lốt" xăng A92, nhưng thực chất là xăng A83 được đưa ra thị trường.
Ông Ngô Hồng Hệ - Phó trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết trên báo Dân Việt: Việc pha trộn xăng A83 với các loại xăng khác, bán với danh nghĩa xăng A92 sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của những động cơ đòi hỏi phải sử dụng xăng chất lượng cao hơn như A92 hoặc A95. Khi sử dụng loại xăng kém phẩm chất này, động cơ sẽ nhanh bị nóng, giảm công suất, tăng hao mòn và nhanh dẫn tới hư hỏng động cơ. Và chắc chắn có ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Theo VEF