Nguy cơ lạm phát do giá dầu thô tăng cao xuất phát từ hành động trừng phạt Iran của Liên minh châu Âu, đã nhanh chóng bị đẩy lùi trong phiên giao dịch đêm qua. Theo chân dầu thô, giá các kim loại quý cũng trượt mạnh.
Nguy cơ lạm phát do giá dầu thô tăng cao xuất phát từ hành động trừng phạt Iran của Liên minh châu Âu, đã nhanh chóng bị đẩy lùi trong phiên giao dịch đêm qua. Theo chân dầu thô, giá các kim loại quý cũng trượt mạnh.
Theo chân dầu thô, giá các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim cũng đồng loạt trượt mạnh.
Dầu thô dứt chuỗi ngày tăng giá
Cuối tuần trước, các bộ trưởng bộ tài chính, thống đốc ngân hàng nhóm 20 quốc gia phát triển, mới nổi đã cảnh báo nguy cơ từ giá dầu tăng cao cũng như tác động từ lệnh cấm vận Iran tới nguồn cung dầu và tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế thế giới vốn đang bấp bênh bởi khủng hoảng nợ công.
Tuy nhiên, có vẻ như thị trường đã lo lắng quá sớm khi giá dầu nhanh chóng bị đẩy lui trong phiên giao dịch đêm qua (27/2). Chốt phiên này, dầu thô New York giao tháng 4 giảm 1,21 USD, tương ứng 1,1% xuống 108,56 USD/thùng. Sau giờ giao dịch chính thức, giá tiếp tục xuống 107,27 USD/thùng.
Tại thị trường London, chốt phiên đêm qua, giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 1,3 USD xuống 124,17 USD/thùng. Trước đó, đóng cửa phiên cuối tuần 24/2, giá dầu Brent loại này đã chạm mức cao nhất gần 10 tháng với hơn 125 USD/thùng. Sau giờ giao dịch, giá dầu Brent giảm tiếp xuống 123 USD/thùng.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu đi xuống là bởi nhà đầu tư thất vọng trước việc các quan chức tham dự hội nghị nhóm 20 quốc gia hồi cuối tuần trước đã trì hoãn việc gia tăng ngân sách cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho đến khi các nước ở châu Âu có hành động nhằm tăng cường quỹ giải cứu khu vực.
Bên cạnh đó, giá dầu còn hứng chịu sức ép chốt lời sau đà leo thang trong tuần trước và đồng USD mạnh. Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đêm qua tăng 0,22% lên 78,57 USD. Việc USD tăng giá luôn là sức ép lớn đối với giá cả các hàng hóa.
Cùng rút lui với giá dầu còn có các mặt hàng năng lượng khác. Cụ thể, dầu sưởi giao tháng 3 giảm 3 cent, xuống 3,29 USD/gallon. Xăng giao tháng 3 hạ 2 cent, xuống 3,13 USD/gallon. Giá khí thiên nhiên giao cùng kỳ hạn cũng giảm 10 cent xuống 2,45 USD/triệu BTU, thấp nhất trong khoảng 2 tuần vừa qua.
Kim loại quý đua nhau hạ nhiệt
Việc nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời khi giá vàng lên cao trong tuần trước đã khiến mặt hàng này nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên giao dịch đầu tuần này. Ngoài ra, thị trường vàng cũng đang chịu những sức ép tương tự như trên thị trường dầu thô, trong đó điển hình là yếu tố đồng USD tăng giá mạnh trở lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/2, giá vàng giao tháng 4 trên bộ phận Comex của sàn New York đã giảm nhẹ 1,50 USD, tương ứng 0,1%, xuống 1.774,90 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.762,60 - 1.781 USD/ounce. Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.769,40 USD/ounce.
Yếu tố chính hỗ trợ cho giá vàng trong ngày là sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các quỹ tín thác ETF. Thêm vào đó, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng gấp 3 lần trong hai ngày cuối tuần trước cũng được coi là lực đỡ tốt cho thị trường kim loại quý này.
Song đà tăng của thị trường bị kéo lui và quay dần về hướng hạ nhiệt từ cuối tuần trước, do nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời. Tương tự như vàng, giá bạc giao tháng 3 giảm 19 cent, tương ứng 0,5%, xuống còn 35,52 USD/ounce. Đồng cùng kỳ hạn hạ 2 cent, tương ứng 0,5% xuống 3,88 USD/lb.
Palladium hợp đồng tháng 3 giảm 5,45 USD, tương ứng 0,8%, xuống còn 705,30 USD/ounce. Bạch kim giao tháng 4 giảm 80 cent, tương ứng 1%, xuống 1.714,30 USD/ounce.
Ca cao, cà phê vẫn được giá
Không chịu áp lực do đồng USD tăng giá, một số mặt hàng nông sản thuộc nhóm chủ lực như cà phê, ca cao vẫn tiếp tục đi lên trong phiên đêm qua (27/2). Trong đó, ca cao giao sau tăng mạnh 43 USD, tương ứng 1,82%, lên 2.400 USD/tấn. Cà phê arabica cũng tăng được 0,49% lên đứng ở mức 204,6 cent/lb.
Diệp Anh
Theo VnEconomy