Xăng điều chỉnh giảm xuống 300 đồng/lít nhưng giá vẫn đứng im dù nhiều mặt hàng tăng giá là do giá xăng tăng trước đó. Lý giải điều này, các nhà kinh doanh, tiểu thương cho rằng xăng giảm quá thấp so với mức tăng nên người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Xăng điều chỉnh giảm xuống 300 đồng/lít nhưng giá vẫn đứng im dù nhiều mặt hàng tăng giá là do giá xăng tăng trước đó. Lý giải điều này, các nhà kinh doanh, tiểu thương cho rằng xăng giảm quá thấp so với mức tăng nên người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Xăng giảm giá vẫn đứng im
Giá xăng đã liên tục tăng 3 lần trong gần 2 tháng với lần tăng gần nhất là ngày 17/7 với mức tăng gần 500 đồng/lít thế nhưng, lại giảm nhỏ giọt (giảm 300 đồng/lít ngày 22/8) không đủ sức kéo giá cả hàng hóa giảm theo.
Rau xanh là mặt hàng đang giữ mức tăng giá cao nhất
Thịt lợn sấn các loại vẫn ở mức 80.000- 85.000 đồng/kg; thịt thăn nạc vẫn ở mức 90.000- 95.000 đồng/kg; thịt bò bắp 230.000 đồng/kg; bò philê 250.000 đồng/kg; Cá trắm, cá chép vẫn ở mức 60.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg vẫn ở mức 350.000 đồng/kg; tôm chân trắng 250.000 đồng/kg. Đặc biệt là giá các loại rau xanh vẫn cao ngất ngưởng sau tăng giá xăng, điện, gas và sau bão: giá cải xanh, cải ngọt 30.000 đồng/kg; cải bắp 20.000 đồng/kg; cà chua 25.000 đồng/kg; quả mướp 20.000 đồng/kg; dưa chuột 20.000 đồng/kg; rau muống 8.000 đồng/bó; mồng tơi 7.000 đồng/bó, rau ngót 7.000 đồng/bó…
Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội các tiểu thương cho biết, tình hình mua bán vẫn chưa trở về mức ổn định như trước, lượng tiêu thụ vẫn chậm và ít. Nguyên nhân là phần lớn người dân vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” vì kinh tế khó khăn và giá cao. Thêm vào đó, việc giá xăng giảm nhỏ giọt không đủ mức để hạ giá hàng hóa.
Bà Vũ Thị Vinh, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ này cho biết: “Hiện chưa có loại thực phẩm nào giảm giá. Xăng tăng thì cao giảm chỉ 300 đồng/lít không đủ sức để giảm giá. Vì vậy, hầu hết các mặt hàng đều đứng giá, không tăng không giảm”.
Thói quen “ăn dày”, trục lợi của tiểu thương khó làm giá giảm
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lại cho rằng, chuyện tăng giá là do xăng nhưng việc giảm giá của hàng hóa lúc này không phụ thuộc vào giá xăng tăng hay giảm.
Ông Trần Văn Minh, hưu trí Khu tập thể Văn công, phường Quan Hoa, Cầu Giấy cho rằng: “Xăng tăng giá là các tiểu thường vội vàng đẩy giá tăng vì sợ thiệt nhưng xăng giảm giá chưa chắc họ đã thuận chiều theo vì thói quen “ăn dày”, trục lời đã ngấm vào máu kinh doanh của nhiều người”.
Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú khẳng định: “Ở thị trường Việt Nam từ xưa đến nay thiết lập mặt bằng giá mới cao rất nhanh ngay sau khi có sự điều chỉnh tăng giá của những mặt hàng nguyên liệu thiết yếu. Nhưng việc giảm giá do những mặt hàng này giảm lại rất chậm. Thậm chí, sau nhiều lần lịch sử lặp lại, người tiêu dùng đã biết tỏng những kiểu điều giá quen thuộc giảm ít tăng nhiều thì người tiêu dùng cũng không còn quá trông chờ vào chuyện giảm giá nữa”.
Người viết không dám đưa ra quan điểm cá nhân nhưng tình trạng tăng nhiều, giảm nhỏ giọt đã xảy ra như cơm bữa đối với giá xăng dầu và người ta cũng chẳng còn muốn than vãn. Không phải là tiếc vài ba trăm đồng cho mỗi lít xăng mà mỗi khi xăng tăng giá biết bao mặt hàng khác cũng "té nước" theo xăng từ giá thực phẩm cho đến giá điện,tiền thuê nhà... Nhưng khi xăng giảm nhỏ giọt họ lại vin cớ rằng mức giảm không đáng để điều chỉnh giá thuận chiều.
Mai Hạnh
theo GĐ&XH