Xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên thế mạnh nông sản của từng địa phương đang là một trong những xu thế được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững. Dù đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu, song việc dựng xây thương hiệu nông sản lại có phần ì ạch.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt
Xây dựng thương hiệu nông sản mang lại hiệu quả bền vững
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần có những điều chỉnh để đảm bảo tăng trưởng cũng như tận dụng tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại giúp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo chiều chuyên gia, thời gian tới, cần coi mục tiêu phát triển nông thôn và ưu đãi nông dân là một chính sách lớn. Từ đó, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển nông thôn nhằm tăng cường năng lực cho nông dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
Nông dân phải được tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản.
Việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa cần tập trung tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.
Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ nông sản rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người nông dân. Trong đó, Nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra dự báo, kế hoạch sản xuất cho người nông dân; các nhà khoa học hướng dẫn ứng dụng công nghệ tiên tiến tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ và người nông dân trực tiếp sản xuất theo định hướng.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù sản xuất ở quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hoá. Vì thế, cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia đình; cần đặc biệt coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã kiểu mới.
Tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hóa. Mỗi ngành hàng nông sản cần đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình…
Tại chương trình “Nông nghiệp thông minh”, lãnh đạo một số địa phương cho biết, đang áp dụng thực hiện quy trình sản xuất an toàn, nguồn gốc xuất xứ nông sản rõ ràng, cùng với việc áp dụng các công nghệ số cho hoạt động đầu ra mở rộng thị trường. Đặc biệt, một số địa phương đang xây dựng và khôi phục thương hiệu cho các sản phẩm từng một thời là đặc sản đã nổi tiếng có chất lượng.
Xoáy sâu phân tích ở góc độ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam dựa trên khai thác yếu tố vùng, miền, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Quốc Thịnh phân tích, hiện nay xây dựng thương hiệu nông sản đối mặt không ít khó khăn, tồn tại. Điển hình như, nông sản Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo.
Đa số nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định.
Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung cho sản phẩm đó.
Bắt tay” xây dựng thương hiệu
Nhiều tỉnh, thành đang tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên thế mạnh đặc sản của địa phương mình
Về câu chuyện thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Việt trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực khác của ngành nông nghiệp, tích hợp một số chương trình đã triển khai từ trước đó nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế như: Lúa gạo, thịt, thủy sản, rau quả, mía đường, cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dừa, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm,...
Để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đảm bảo các yêu cầu được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản theo Quy chế phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ,… để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Giải pháp quan trọng khác được đặt ra còn là: Tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, DN vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản...
Nhìn nhận từ câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung, Bộ Công Thương đánh giá: Các DN chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Các DN cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Nhà nước sẽ hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu…
Hoàng Anh/ KTDU