Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã hình thành trên 1.100ha cây thanh trà (hoặc gọi là bưởi thanh trà) trên diện tích đất phù sa bãi bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã hình thành trên 1.100ha cây thanh trà (hoặc gọi là bưởi thanh trà) trên diện tích đất phù sa bãi bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.
Vườn thanh trà thôn ở Lương Quán, phường Thủy Biều, thành phố Huế. (Nguồn: thuybieu.thuathienhue.gov.vn)
Trong đó, các địa phương có diện tích trồng thanh trà lớn bao gồm thị xã Hương Trà 481ha; Phong Điền 258ha; thị xã Hương Thủy 105ha... Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa trái cây đặc sản thanh trà vào chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản của tỉnh đến năm 2020, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để trái cây này vươn xa trên thị trường.
Phường Thủy Biều (thành phố Huế) là đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu "thanh trà Huế" trên thị trường. Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Nhân dân phường Thủy Biều đã mạnh dạn đứng ra tổ chức "Ngày hội thanh trà" để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng đồng thời đăng ký nhãn hiệu độc quyền "thanh trà Huế" trên thị trường trong nước nên được nhiều người biết đến, lượng tiêu thụ ngày càng mạnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích trồng thanh trà ở phường Thủy Biều có khoảng 150ha, bình quân hàng năm đạt doanh thu từ 8-10 tỷ đồng. Hàng trăm hộ trồng thanh trà ở Thủy Biều đã có thu nhập khá cao, cải thiện được đời sống.
Điển hình gia đình anh Trần Văn Cường, thôn Trung Thượng, xã Thủy Biều chuyển đổi 2.500m2 đất canh tác từ trồng rau màu và nuôi gà công nghiệp sang trồng bưởi thanh trà cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/vụ.
Anh Cường cho biết việc xây dựng thương hiệu "thanh trà Huế" đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Thông thường, mỗi quả thanh trà có giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng, mỗi hécta thanh trà sẽ cho thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng.
Thanh trà Huế ở đây trước khi đem đi tiêu thụ được tiến hành dán tem từ đó, cũng tạo động lực cho người dân tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc, phát triển thanh trà để nâng cao đời sống và xúc tiến quảng bá du lịch cho địa phương.
Hiện nay, nhãn hiệu "thanh trà Huế" đã được bán ở 14 đại lý, siêu thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đang thực hiện 4 dự án trong việc chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản của tỉnh đến năm 2020 là: tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh; mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế; nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng thanh trà toàn tỉnh; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong canh tác thanh trà ở phường Thủy Biều.
Đây là điều kiện không chỉ đẩy mạnh phát triển diện tích cây thanh trà, bảo tồn giống cây quý của tỉnh mà còn tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm, tạo nguồn thu nhập cao cho người dân....
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Xay-dung-thuong-hieu-de-buoi-thanh-tra-vuon-xa/201310/218861.vnplus
Quốc Việt
theo TTXVN