Ngày 11/9, báo Văn Hóa, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”. Đây là lần thứ ba, Báo Văn Hóa tổ chức hội thảo về vấn đề này. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp... để cùng bàn thảo những câu chuyện về xây dựng và phát triển thương hiệu, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Quang cảnh hội thảo
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam: “Văn hóa doanh nghiệp là cái neo nhân văn trong thời CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão, thiếu cái neo nhân bản thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, doanh nghiệp và xã hội. Chính các doanh nhân sẽ là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho doanh nghiệp, chăm lo cho các giá trị đạo đức”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, khi CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.
Tổng biên tập Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp”. Năm nay, chủ đề hội thảo đi sâu vào nội dung đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm: “Văn hóa doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu”.
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì đại dịch Covid-19, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp.
PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đã chia sẻ về góc độ xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ.
Theo PGS.TS Dương Thị Liễu: Công nghệ đang dần phổ biến và trở thành một phần quan trọng trong công việc cũng như cuộc sống. Bởi vậy, các ứng dụng trong doanh nghiệp như ứng dụng xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ ngày càng cần thiết. Khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể, hay kỹ năng quản lý nhưng robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…
Đây là một cách thức xây dựng văn hóa công ty đạt hiệu quả cao với chi phí thấp. Xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công việc bất kể họ đang ở đâu.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia văn hóa, kinh tế đã thảo luận các nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống khủng hoảng truyền thông bằng văn hóa doanh nghiệp; Đạo đức kinh doanh và vấn đề xây dựng thương hiệu. Đồng thời, các doanh nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu.
PV
Theo KTDU