Sự kiện hot
4 năm trước

Xây dựng vùng nguyên liệu chè bền vững: Khó khăn nào cần vượt qua?

Vấn đề đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp thực phẩm và vùng nguyên liệu chè là rất quan trọng. Trên thực tế, việc đầu tư bền vững vào vùng nguyên liệu có liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Việt Nam là một quốc gia trồng, sản xuất và chế biến chè có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới.

Đến nay, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Khối lượng xuất khẩu đạt 136 nghìn tấn, giá trị đạt 235 triệu USD. Những năm qua, chè là cây được sản xuất khá bền vững, góp phần tích cực giảm nghèo cho nhân dân miền núi và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế…

Chương trình hướng dẫn của Asean về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp giúp thiết lập các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư thông qua khung chính sách, tạo lập sự cân bằng giữa các lợi ích nhằm tăng cường năng lực của các bên liên quan.

Trong đó, để ngành chè phát triển sản xuất thực sự bền vững thì quy mô diện tích trồng chè, vùng nguyên liệu phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.

Vấn đề đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp thực phẩm và vùng nguyên liệu là rất quan trọng cần hướng tới tại Việt Nam để có thể cạnh tranh với những nước trên thế giới đang làm tốt mô hình này. Để thực hiện được, quan trọng nhất là quy hoạch trong nước và đặc biệt là tại địa phương và các vùng trong khu vực cần thật ổn định.

Hiện nay, việc đầu tư cho vùng nguyên liệu có hai cách là đầu tư cho vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp đang quản lý và cách còn lại là đầu tư cho vùng nguyên liệu của nhân dân. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, việc đầu tư cho vùng nguyên liệu trong ngành chè vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến lĩnh vực đất đai khiến cho nhiều doanh nghiệp ngập ngừng trong việc đầu tư bền vững tại một số địa phương. Lý dó là khi, vùng nguyên liệu đã được đầu tư một cách bền vững, phát triển tốt cho doanh nghiệp nhưng lại gặp phải thay đổi chính sách của tỉnh hay thay đổi quy hoạch rồi chuyển đổi mục đích đầu tư.

Ngoài ra, khi đầu tư liên kết với nông dân, các doanh nghiệp liên kết với tổ nhóm, hợp tác xã và các hộ nông dân, để đầu tư xây dựng chứng nhận, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn… Cũng đến một lúc nào đó xảy ra sự tranh chấp thì phía chính quyền địa phương cũng không đứng ra xử lý một cách thấu đáo làm cho doanh nghiệp đầu tư bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Trọng Hữu - Giám đốc công ty Chè Hữu Hảo (Yên Bái)

Với những khó khăn về vùng nguyên liệu tại làng Organic Cao Bồ tỉnh Hà Giang hiện nay, ông Nguyễn Văn Biên – Giám đốc công ty chè Cao Bồ cho biết, vùng nguyên liệu được tỉnh giao cho công ty thực hiện, trên thực tế rất nhiều người bản địa Trung Quốc sang đặt các hộ dân làm chè phơi phải hun khói với giá trị cao. Trong khi đó, các loại chè công ty đang áp dụng tiêu chuẩn Organic đang không thể cạnh tranh về giá khiến cho sản lượng tiêu thụ bị giảm sút.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty chè Á Châu, việc thực hiện đầu tư bên vững vào loại sản phẩm mình định sản xuất cần chú trọng hơn đến các công nghệ hiện nay để có tác động trong việc chế biến, sản xuất trong ngành cũng như có  những công nghệ phổ biến. Bên cạnh đó, cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có tác động đến môi trường, kinh tế xã hội.

Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách liên kết, tương trợ giữa các doanh nghiệp với nhau trong việc tìm vùng nguyên liệu. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi đó mới đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Hữu - Giám đốc công ty Chè Hữu Hảo (Yên Bái) cho biết, hiện nay trong 100 doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái được khoảng 20 doanh nghiệp đã đi vào cơ chế hội họp để cùng nhau hợp tác xử lý vấn đề nguyên liệu, thu mua chất lượng nông sản, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo ông Hữu, việc thực hiện vùng nguyên liệu rất cần thiết cho những doanh nghiệp trong ngành chè, nhưng hiện nay đất đai đều do nông dân và chính quyền địa phương sở hữu. Trong khi đó, chương trình của tỉnh, huyện không được thực hiện lâu dài nên xảy ra trường hợp đầu tư cây chè được nhiều năm rồi lại chuyển mục đích sang giống cây khác khiến cho doanh nghiệp bị tổn thất rất lớn.

“Hướng tới chính sách vĩ mô thì quy hoạch là quan trọng nhất và thực hiện như thế nào để ổn định cho doanh nghiệp bởi quy hoạch tại Việt Nam quá yếu. Đặc biệt là thực trạng đang diễn ra tại tỉnh Yên Bái nên xảy ra việc doanh nghiệp không yên tâm đầu tư. Nếu làm được việc này sẽ tạo cho doanh nghiệp ngành thực phẩm nông lâm nghiệp phát triển cho sau này.” Ông Hữu nói.

Về hướng phát triển cho các doanh nghiệp chè đang đầu tư bên vững vùng nguyên liệu, ông Hữu kiến nghị: “Trong thời gian tới, Hiệp hội Chè Việt Nam làm sao có tác động mạnh mẽ tới chính quyền TW và đặc biệt là địa phương cần có sự đồng bộ hợp nhất về quy hoạch để cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vùng nguyên liệu. Đặc biệt, các tinh các tỉnh cần đẩy mạnh việc xúc tiến xử lý các vấn đề an toàn nông nghiệp”.

Huy Đức

Theo KTĐU

Từ khóa: