Sự kiện hot
8 năm trước

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Luận công, tội của nguyên Tổng giám đốc VNCB

Sáng 22/8/2016, phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư Nguyễn Quang Anh đưa ra các lập luận chứng minh bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB không phạm tội như cáo trạng quy kết.

Bị cáo Phan Thành Mai bị VKS đề nghị mức án 11 đến 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 11 đến 12 năm tù tội tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt từ 24 đến 26 năm tù. Theo luật sư Nguyễn Quang Anh, bị cáo Mai không phạm tội “Vi phạm quy đinh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Luật sư Anh đưa nhiều luận cứ phân tích, trong đó có việc bị cáo Mai không vi phạm trong việc kiểm tra điều kiện vay vốn, thẩm định và quyết định cho vay như quy kết của cáo trạng.

Cáo trạng truy tố bị cáo Mai đồng phạm với bị cáo Danh vi phạm Điều 7 (quy  định về điều kiện vay vốn), Điều 15 (quy định về thẩm định và quyết định cho vay) trong Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, căn cứ theo Quy trình tín dụng trong hệ thống Ngân hàng Đại Tín, Quy trình cho vay của VNCB, trách nhiệm thẩm định việc cho vay vốn không thuộc về Mai.

Ngoài ra, luật sư Anh nhận định, bị cáo Mai không vi phạm trong việc sử dụng vốn vay, kiểm tra, giám sát vốn vay như kết luận của cáo trạng. Bởi lẽ, theo Điều 6 Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Như vậy, đây là trách nhiệm của khách hàng trong việc vay vốn của tổ chức tín dụng, còn VNCB là bên cho vay, không phải là chủ thể chịu ràng buộc của quy định này. Do đó, việc nhận định bị cáo Mai không vi phạm quy đinh này là có cơ sở.


Bị cáo Mai tại tòa

Một điều rất đáng chú ý là ngoài việc bào chữa cho bị cáo, luật sư Anh còn “luận” thêm một số nội dung liên quan đến bản chất con người của Phan Thành Mai để HĐXX có một góc nhìn tổng thể khách quan.

Theo đó, trong vụ án này, luật sư Anh cho rằng, nếu Danh đưa cho Mai cái nhìn tổng thể (cân đối thu, chi; đầu vào, đầu ra, các đối tác...) thì chắc chắn với hiểu biết của mình, Mai sẽ nhận thức được việc Danh làm sẽ dẫn đến con đường phá sản. Bởi vậy, hậu quả xảy ra trong vụ án này, không phải là do lỗi của Mai mà do tính toán sai từ phía Danh (!?).

Thứ hai, Mai hoàn toàn tin tưởng vào Danh, vào tôn chỉ, vực dậy VNCB nên khi Danh nói cần tiền để thực hiện các công việc phục vụ cho “tái cơ cấu”, Mai tin ngay. Tuy nhiên, Mai chỉ tìm mọi cách đúng pháp luật và có lợi cho VNCB để đáp ứng nhu cầu của Danh. Với những việc làm này, chỉ có thể dùng cụm từ “bề tôi trung thành” để nói về Mai.

Thứ ba, khác hoàn toàn với Danh (ông chủ thực sự của VNCB), bị cáo Mai không có bất cứ lợi ích nào khác ngoài đồng lương được chi trả theo trách nhiệm công việc. Tuy nhiên, bị cáo là một người có “lý tưởng và hoài bão” nên đã quyết chí chấp nhận xa gia đình, từ Bắc vào Nam và ở lại sống chết cùng VNCB. Điều này thể hiện Mai là một người chỉ thực hiện hoài bão, lý tưởng của mình mà không vì vụ lợi (!).

Thứ tư, khi vụ việc xảy ra, biết là mình phải đối diện với mức án rất nặng nhưng Mai đã “rất dũng cảm” đứng ra nhận hết trách nhiệm, trong đó nhận cả những cái không thuộc trách nhiệm của mình, để thuộc cấp không bị hoặc hạn chế được tối đa trách nhiệm hình sự. “Phải nói là trong rất nhiều vụ án khi tôi tham gia, đây là vụ án đầu tiên mà tôi nhận thấy một bị cáo đang đối diện với mức án cao như vậy, nhưng lại sống có tình nghĩa và trách nhiệm như vây”, luật sư Anh nhận định.

Từ đó, luật sư Anh muốn HĐXX có cái nhìn tổng thể từ hành vi, đến “nhân cách cách Phan Thành Mai”. Luật sư “tâm tư”: “Tôi tin chắc rằng những người có lương tri ngồi ở phiên tòa ngày hôm đều thấy đau xót, khi phải đưa ra một mức án quá nặng với Mai, một người có trí tuệ, hoài bão, tâm huyết, trách nhiệm và không vụ lợi như bị cáo, những người như vậy tồn tại rất ít trong xã hội ngày nay”.

Với các luận cứ bào chữa trên, luật sư Anh đề nghị HĐXX xem xét quan điểm hành vi của bị cáo không phạm tội, Mai chỉ vi phạm một phần trong việc cho vay đối với Công ty Toàn Tâm và Công ty An Phát. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX “xem xét cho Mai một mức án mà bị cáo có thể sớm trở về cống hiến cho xã hội, và để cho những người có trí tuệ và nhiệt huyết như bị cáo thấy được chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta”.

theo Công lý

Từ khóa: