Đang có những ý kiến trái chiều về quyết định đột ngột mua lại không quá 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của FPT.
Đang có những ý kiến trái chiều về quyết định đột ngột mua lại không quá 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của FPT.
Cách đây hơn 2 năm, tháng 10/2009, FPT phát hành 1.800 trái phiếu doanh nghiệp mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1.800 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, thời gian đáo hạn là ngày 9/10/2012, với lãi suất 7%/năm. Tiền lãi sẽ được thanh toán định kỳ hàng năm một lần vào các ngày 9/10/2010, 9/10/2011 và 9/10/2012. Trong khi tiền gốc sẽ được thanh toán theo mệnh giá một lần vào ngày đáo hạn (ngày 9/10/2012).
Sau khi có thông tin FPT mua lại trái phiếu kèm chứng quyền, thị trường vẫn tiếp tục đánh giá tích cực đối với cổ phiếu FPT. Ảnh: An Thư
Theo phương án phát hành, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ được kèm 1.158 chứng quyền, được quyền mua 10 cổ phần FPT với giá 92.025 đồng/cổ phần. FPT cam kết, tỷ lệ pha loãng không quá 15% vốn điều lệ tại ngày phát hành. Tính theo tỷ lệ điều chỉnh, mỗi chứng quyền cho phép người nắm giữ được mua 13.324 cổ phần với giá điều chỉnh là 69.067 đồng/cổ phần.
Giải thích về lý do mua lại trái phiếu kèm chứng quyền, đại diện FPT cho biết, là nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn hiện có của Công ty và số lượng mua lại không quá 1.000 trái phiếu kèm chứng quyền.
Dù vậy, trong giới đầu tư, vẫn có những ý kiến trái chiều về quyết định đột ngột mua lại không quá 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của FPT. Theo đó, một số nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao khi FPT đang được hưởng mức lãi suất rất rẻ 7%/năm trên lượng trái phiếu đã bán (so với mức phổ biến 17 - 20%/năm ở thời điểm hiện tại), mà Công ty lại đưa ra quyết định mua lại trái phiếu. Cụ thể là, việc mua lại trái phiếu kèm chứng quyền sẽ kiến chi phí vốn của FPT tăng lên, đó là số tiền chênh lệch về lãi suất tại thời điểm phát hành (7%/năm) với mức lãi suất FPT phải chịu nếu phải vay vốn ngân hàng để phục vụ sản suất - kinh doanh với lãi suất 17 - 20%/năm hiện nay.
Tuy nhiên, trong giới chuyên môn cũng có những cái nhìn lạc quan hơn về động thái mua lại trái phiếu của FPT khi cho rằng, hiện tại, công ty này đang có vốn nhàn rỗi, trong khi trái phiếu cũng đã đi qua hơn 2/3 thời hạn (tức là cũng sắp đến thời điểm Công ty buộc phải thanh toán cho trái chủ). Do đó, việc mua lại trái phiếu ngay từ lúc này, khi đang có nguồn tài chính chủ động sẽ giúp Công ty giảm áp lực về vốn khi trái phiếu đáo hạn.
Các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, FPT hiện tại còn khá nhiều tiền và tương đương tiền khoảng 2.500 tỷ đồng (theo báo cáo hợp nhất ngày 30/9/2011). Hơn nữa, FPT đang trông chờ số tiền 708 tỷ đồng đặt cọc với EVNTelecom sẽ được hoàn trả vào quý IV năm nay. Nếu FPT nhận số tiền đặt cọc nêu trên, sẽ nâng mức tiền mặt và tương đương tiền lên con số 3.200 tỷ đồng, nhiều hơn gấp đôi so với số năm 2010.
Ngoài ra, FPT có thể giảm thêm 70 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2012 nếu họ mua lại 1.000 trái phiếu lúc này. Hơn nữa, khi lãi suất thị trường cao hơn lãi suất trái phiếu, giá trị nội tại của trái phiếu sẽ phải thấp hơn mệnh giá nếu chứng quyền tiếp tục không có giá trị và trái phiếu phát hành không có giá thỏa thuận mua lại. Do đó, FPT có thể mua lại trái phiếu đó với một mức giá chiết khấu và loại bỏ được rủi ro pha loãng từ các chứng quyền trong tương lai. Có khả năng, những trái chủ (cần tiền) đang muốn lấy lại tiền của họ sớm hơn.
Về phía thị trường, sau khi có thông tin FPT mua lại trái phiếu kèm chứng quyền, thị trường vẫn tiếp tục đánh giá tích cực đối với cổ phiếu FPT, thể hiện ở việc cổ phiếu FPT tăng 600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 4/11), từ mức 49.300 đồng/cổ phiếu lên 49.900 đồng/cổ phiếu.
Chí Tín
Theo Đầu tư