Phức tạp…
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 năm gần đây, cơ quan Hải quan các cấp đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Các mặt hàng này được sản xuất ở trong nước, hoặc nhập lậu vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, chính sách quản lý mặt hàng và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Đáng lo ngại là tình trạng hàng giả được thẩm lậu vào thị trường nội địa qua các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan… Đặc biệt là hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập - tái xuất, do phương thức vận chuyển chủ yếu là container đường dài, qua nhiều địa bàn, có thời gian dài lưu tại Việt Nam, khối lượng hàng lớn nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ.
Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Phi Hùng, trong quá trình đấu tranh, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hàng hóa là thuốc lá, phế liệu, hàng đông lạnh…
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn cất giấu, trà trộn hàng giả với hàng được phép nhập khẩu, khai báo sai mặt hàng, tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo chứng từ; lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng để in và gắn trên nhãn hàng hóa những nội dung, hình ảnh của thương nhân ở các nước phát triển như Mỹ, Canada và Đức… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng dẫn đến hiểu nhầm rằng hàng hóa có nguồn gốc từ các nước sản xuất có sản phẩm chất lượng cao. Điển hình là các vụ bắt giữ 14.400 chai rượu giả nhãn hiệu Stolichnaya, 93.820 bao thuốc lá giả nhãn hiệu Vinataba, 7.729 lọ mỹ phẩm, 137.728 lon nước ngọt giả nhãn hiệu Arabao.
Trên mặt trận chống hàng giả trong nội địa, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an, Đại tá Trần Đức Vĩnh cho biết, từ năm 2004 đến năm 2012, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra, khám phá 2.771 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả.
Như vậy, trung bình mỗi năm xét xử 308 vụ về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, cho thấy, số vụ tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả có xu hướng tăng rất nhanh, trở thành một thực trạng đáng báo động, nhiều mặt hàng làm giả với mức độ tinh vi, rất khó phân biệt và nhận biết.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra một cơ sở bán áo lót.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng cho biết, phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, chúng có sự phân công chặt chẽ từ khâu sản xuất các loại bao bì, tên, nhãn giả đến khâu sản xuất, gia công dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng thì mới gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ…
… khó xử lý
Theo ông Trần Hùng, một trong những khó khăn khi xử lí vi phạm của cơ quan chức năng là do một số chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác, vì tâm lý cho rằng, phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm đối với tội phạm lĩnh vực này vẫn còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự.
Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, cơ quan Hải quan hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình phát hiện, bắt giữ xử lý vi phạm liên quan đến hàng giả, trong đó có mặt hàng rượu, tân dược giả do thiếu các thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ cho việc phân biệt hàng giả.
Trình độ, kỹ năng phân biệt, phát hiện giả nhãn mác, bao bì của các cán bộ còn nhiều hạn chế. Các quy định của pháp luật có liên quan đến việc xử lý hàng giả trong lĩnh vực hải quan hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm cơ quan Hải quan cũng gặp không ít khó khăn do DN chưa tích cực hợp tác trao đổi và phản hồi thông tin, một số DN vẫn coi công việc chống hàng giả là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước…
Tại một hội thảo “Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán rượu và thuốc tân dược giả tại Việt Nam” do Bộ Công an tổ chức hồi cuối tháng 5/2013, đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Theo đó, cần bổ sung một số quy định liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả. Ví dụ như điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, đặc biệt là các quy định về xử lý hình sự.
Cụ thể, tại các Điều 157, 171a của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 cần quy định rõ ràng hơn để khắc phục sự lúng túng vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật vào việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK vi phạm SHTT…
Đối với những tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự, cần tăng mức xử phạt bổ sung (phạt tiền) mới đủ sức răn đe. Các vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT từ khi thụ lý điều tra đến khi xét xử còn kéo dài, một phần do công tác giám định. Để đảm bảo chặt chẽ về pháp luật, cần có hướng dẫn các cơ quan giám định về phương thức giám định, theo xác suất, tỷ lệ % hay giám định cả lô hàng.
Cũng có ý kiến, quan trọng hơn, muốn chống hàng giả tốt, trước hết phải làm trong sạch đội ngũ chống hàng giả. Điều này, lâu nay chúng ta ít đề cập đến, song rất cần được chú ý.
“Theo Nghị định 08/2013/NĐ-CP, hiệu lực từ 01/3/2013, mức phạt tối đa hành vi sản xuất hàng giả chỉ 100 - 200 triệu đồng, trong khi người ta có thể thu hàng tỷ đồng từ việc làm hàng giả, hàng nhái, thì số tiền phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu được.
Việc xử lý hàng giả, hàng nhái phải có chế tài đủ mạnh. Đặc biệt, với lĩnh vực lương thực, thực phẩm, không nên chỉ phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh mà phải truy tố hình sự, bởi đây là những mặt hàng nguy hại đến tính mạng người sử dụng.”
|
Bảo Thái Sơn
theo Thanh tra