Sự kiện hot
13 năm trước

Xuất hàng thủ công qua Nhật: “Vấn đề không phải ở giá”

Nhật Bản được xem là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tốn không ít công sức nhưng vẫn chưa đặt chân được vào thị trường khó tính này.

Nhật Bản được xem là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tốn không ít công sức nhưng vẫn chưa đặt chân được vào thị trường khó tính này.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào Nhật Bản phải có “hồn” và mang nét độc đáo riêng.

Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao vào Nhật Bản”, được tổ chức ngày 23/2, nhiều kinh nghiệm đã được giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của AJC (Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản) cho hay, 3 yếu tố mà người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đó là: sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, bởi vậy họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn” và mang nét độc đáo riêng.

Do đó, “để chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc”, Hiroshi Sakamoto chia sẻ.

Thêm nữa, người Nhật thường tiêu dùng sản phẩm theo mùa vụ, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn, nên doanh nghiệp phải rất nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường và giao hàng đúng hẹn.

Bà Sigeri Mochizuki, người lập kế hoạch kinh doanh, Phòng kinh doanh thuộc Công ty Keio Department Store Co., Ltd và bà Setsuko Okura, Giám đốc điều hành công ty Osmic Ltd, thì cho rằng, đại đa số người tiêu dùng Nhật Bản không thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang phong cách ASEAN. Sở thích chung của người Nhật là hướng tới các thiết kế mang phong cách phương Tây, dựa trên gu thẩm mỹ của người châu Âu hoặc châu Mỹ.

Theo đó, các nhà xuất khẩu ASEAN nên cung cấp các sản phẩm mang phong cách Tây Âu cho thị trường này, song phải chỉnh sửa kích cỡ, quy cách và màu sắc để phù hợp hơn với phong cách và môi trường sống của người Nhật. Hiện phần nhiều trong số họ đang sống ở các căn hộ chung cư diện tích khá chật hẹp.

Người Nhật cũng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm phải đẹp và tốt đều, trong ngoài, mặt trên và mặt dưới của sản phẩm đều phải làm kỹ như như. Màu sắc trang nhã, không lòe loẹt, không qúa đậm hay quá tối.

Đối với hàng gốm sứ như ấm, chén, bát đĩa, ngoài việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn phải mỏng và nhẹ vì Nhật Bản có nhiều người già, trong khi hàng gốm sứ Bát Tràng của Việt Nam bị cho là thô và nặng.

Vì vậy, để biết xu hướng tiêu dùng mới nhất tại Nhật Bản, doanh nghiệp cần thường xuyên tiếp cận website của các nhà bán lẻ tại đây.

Đối với đồ gỗ nội thất, theo ông Tokayoshi Nagashima, chủ tịch công ty AIK, kiêm chủ bút tờ Home Living – tờ báo nội thất khá phổ biến ở Nhật Bản, mặt hàng này chiếm tỷ lệ khá lớn trong lượng hàng nội - ngoại thất nhập khẩu vào Nhật Bản, với kim ngạch nhập khẩu trung bình đạt 1,5 tỷ USD/năm. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng đồ gỗ nội thất cho phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc làm theo đơn đặt hàng, chưa có nhiều mẫu mã độc đáo để thu hút khách hàng.

Mặc dù vậy, các nhà nhập khẩu Nhật Bản vẫn có xu hướng chuyển việc nhập khẩu các sản phẩm nội thất từ Trung Quốc sang nhập khẩu từ Việt Nam vì sản phẩm của quốc gia này chỉ tốt ở vài năm đầu tiên, càng về sau càng có vấn đề. Giá của các sản phẩm lại tăng cao do chi phí nhân công gần đây tăng nhanh. Còn tại Việt Nam, nhân lực sản xuất sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất khá khéo tay và giá nhân công lại tương đối rẻ hơn các nước trong khu vực.

Cũng theo ông Nagashima, để vào được thị trường Nhật Bản vấn đề không phải là giá mà là ở khâu thiết kế sản phẩm. Cái khó là làm sao phát triển được các sản phẩm mới lạ, độc đáo, tìm ra nhiều công dụng mới của sản phẩm.

Bên cạnh đó, người Nhật cũng ưa các sản phẩm làm bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, các sản phẩm làm kết hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như gốm sứ kết hợp với sơn mài, gỗ kết hợp với kim loại…

Y Nhung
Theo VnEconomy

Từ khóa: