Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014 tình hình xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa sẽ khó khăn hơn, kế hoạch xuất khẩu có thể chỉ tương đương năm 2013, khoảng 6,5-7 triệu tấn.
Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Phân tích của VFA cho thấy, năm 2014 sẽ tiếp nối những khó khăn của năm 2013 nhưng áp lực nhiều hơn đối với các nguồn xuất khẩu do cung cấp dư thừa, cạnh tranh quyết liệt.
Tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh xuất khẩu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá còn tiếp tục sút giảm trong thời gian tới. Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt, nhất là với Thái Lan về gạo thơm và gạo trắng. Lợi thế của Việt Nam là khả năng cạnh tranh của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao ở châu Phi và nhu cầu từ các thị trường gần, giao hàng nhanh ở Đông Nam Á.
Khu vực Đông Nam Á mặc dù nhu cầu đang sụt giảm vẫn là các thị trường truyền thống có hợp đồng tập trung, Việt Nam có khả năng cạnh tranh khi có nhu cầu. Riêng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù còn 14 ngày nữa mới kết thúc năm 2013 nhưng theo số liệu của VFA, số lượng xuất khẩu gạo năm nay dự kiến giảm 1,12 triệu tấn so với năm 2012, tương đương 14,5%. Trị giá giảm nhiều hơn tỷ lệ giảm số lượng do giá bình quân giảm 14,53 USD/tấn trong 11 tháng.
Tính đến ngày 30/11, số lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá FOB hơn 2,6 tỷ USD, trị giá CIF hơn 2,7 tỷ USD, giá bình quân FOB gần 431 USD/tấn.
Liên Phương
theo TTXVN