Sự kiện hot
2 năm trước

Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang đứng đầu thế giới

Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường quan trọng trong năm 2022 sụt giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng gần 4%, vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.

Xuất khẩu hạt tiêu dự báo khởi sắc những tháng cuối năm 2021

Theo đó, Thống kê sơ bộ của VPA, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 14,9%, tương đương 37.015 tấn.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 34 triệu USD, tương đương 3,9%. Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13 % về sản lượng, đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021. Nếu tính chung tất cả các loại gia vị, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,5 tỷ USD.

Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như: Brazil, Indonesia... về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, tăng 48,9% so với cùng kỳ.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA nhận định, năm 2022 là một năm với nhiều yếu tố cực kỳ bất lợi, khiến các doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, xuất khẩu khó khăn. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, từ các hộ nông trồng tiêu tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Với nhịp độ hiện tại, bà Liên cho rằng ngành hồ tiêu hoàn toàn có thể kỳ vọng sự bứt phá lớn hơn trong năm 2023 với sự ổn định thị trường, Trung Quốc mở cửa, nới lỏng chính sách Zero Covid,…

VPA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, tận dụng các lợi thế, ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, Hiệp định khu vực tự do ASEAN, Việt Nam – EU,… để tăng thế mạnh cạnh tranh khi các nước đối thủ như Malaysia hay Ấn Độ chưa có các Hiệp định tương tự.

Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Tentamus Group GbmH cho rằng, để khai thác hiệu quả lợi thế về sản xuất, chế biến nâng cao giá trị xuất khẩu thời gian tới, các doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng để phù hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng, con người… của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường phân khúc cao cấp. Lưu ý với thị trường EU là nơi thường xuyên điều chỉnh và thay đổi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững; nâng cao tỷ lệ tiêu xuất khẩu đã qua chế biến.

Về phía người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: