Ngày 10/10, Hội Các nhà sản xuất, kinh doanh chè tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Hiệp hội Sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Yên Bái (Hội Các nhà sản xuất, kinh doanh chè) được thành lập theo Quyết định số 354, ngày 8/9/2000 của UBND tỉnh Yên Bái. Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị hội viên, các hội trồng chè tích cực tham gia thực hiện kế hoạch phát triển nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến kinh doanh chè; vận động các doanh nghiệp chế biến liên kết với các hộ trồng chè xây dựng vùng nguyên liệu, vận động các doanh nghiệp tham gia dự án an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển khí sinh học. Đến nay, đã có 5 hội viên xây dựng được vùng nguyên liệu chè an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Rainforet Allicene.
Mặc dù diện tích chè giảm mạnh do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác, nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn những vùng chè lớn, có năng suất, chất lượng tốt, nhiều vùng năng suất chè búp tươi đạt trên 20 tấn/ha.
Nhiều doanh nghiệp đã có chính sách liên kết với các hộ trồng chè để xây dựng vùng sản xuất an toàn chất lượng cao như: công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ, công ty TNHH Chế biến chè Hữu Bảo, công ty TNHH chè Bình Thuận, công ty TNHH Hưng Thịnh, HTX Kiến Thuận. Sản phẩm của các đơn vị này đều được các doanh nghiệp xuất khẩu của Unilever, Finlay mua với giá cao hơn từ 10-15%.
Trong đó, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2018 - 2023 với mục tiêu 100% số đơn vị hội viên tham gia đăng ký quy hoạch vùng nguyên liệu và có chính sách đầu tư, thu mua sản phẩm cho các hộ nông dân trong vùng nguyên liệu. 100% các đơn vị hội viên thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, trong đó trên 50% đơn vị được đánh giá phân xếp loại A và không có đơn vị xếp loại C.
Đặc biệt, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành chè bình quân đạt trên 5% giá trị sản phẩm của ngành chè năm 2020 đạt trên 500 tỷ đồng/năm. Các đơn vị chủ động áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và uy tín chất lượng cho sản phẩm của đơn vị, trên 50% số đơn vị hội viên đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, R.A) và được cấp chứng nhận.
Trong năm 2018, các đơn vị chế biến phối hợp cùng các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp chủ động đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu và đề xuất cơ chế hợp tác, chính sách cùng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu đã đăng ký.
Tiếp tục, đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ trồng chè áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để xây dựng vùng sản xuất an toàn hiệu quả. Hiện nay một số doanh nghiệp như Nghĩa Lộ, Bình Thuận, Hữu Bảo đang áp dụng và đạt hiệu quả tốt.
Đối với những đơn vị đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận Raiforest Alliance tiếp tục duy trì tiêu chuẩn chất lượng vùng nguyên liệu và tuyên truyền, vận động các đơn vị, các hộ trồng chè áp dụng quy trình quản lý đồng ruộng theo tiêu chuẩn chất lượng để hướng tới vùng sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận. Các đơn vị chế biến cần tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện cơ sở nhà xưởng, thiết bị, quy trình sản xuất để đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về kế hoạch trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng các giống tiến bộ được áp dụng kỹ thuật, đầu tư tăng năng suất, chất lượng chè để hình thành các vùng sản xuất tập trung tại các huyện vùng thấp. Theo phương án của tỉnh dự kiến tại huyện Văn Chấn: 500ha; huyện Trấn Yên: 250ha; huyện Yên Bình: 150ha và thành phố Yên Bái: 100ha. Ban chấp hành hội và các đơn vị hội viên sẽ tích cực tuyên truyền vận động các hộ trồng chè đăng ký thực hiện, đối với mỗi doanh nghiệp sẽ có chính sách đầu tư cụ thể để phát triển diện tích chè năng suất chất lượng cao trong vùng nguyên liệu đăng ký.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Rất ghi nhận những kết quả, thành tích mà ngành chè, Hội Các nhà sản xuất, kinh doanh chè đã đạt được trong thời gian qua. Để Hội tiếp tục hoạt động hiệu quả, đề nghị Hội thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt Kết luận số 56 ngày 10/11/2016 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 30 ngày 13/02/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 56 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020.
Hội cần thực hiện tốt nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội và các quy chế Đại hội đã thông qua; thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để Hội thực sự là mái nhà chung của các doanh nghiệp và người dân làm chè.
Đồng chí cũng đề nghị Hội cần tổ chức kiểm tra đánh giá, xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ diện tích chè hiện có, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký vùng nguyên liệu và xây dựng quy chế quản lý, đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất, chế biến chè xong trong năm 2018; tuyên truyền hướng dẫn để người dân áp dụng các biện pháp đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự chỉ đạo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè đã được phân vùng nguyên liệu phải vào cuộc bằng hành động cụ thể với các chính sách đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thống nhất tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với giá thu mua phù hợp để người trồng chè có thu nhập từ cây chè; tiếp tục thực hiện đề án phát triển chè Shan vùng cao và thực hiện trồng cải tạo chè vùng thấp.
Đại hội đã tiến hành bầu 9 đồng chí vào Ban Chấp hành. Hội nghị Ban Chấp hành Hội lần thứ nhất đã bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch Hội; Đồng chí Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2018 - 2023./.
Chung Thủy - Thanh Thúy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng