Chỉ cách đây vài tháng, Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí số 1 Việt Nam – còn chênh vênh bên bờ vực thảm bại. Nhưng bằng sự quyết tâm thay đổi, nắm bắt được cơ hội “đảo chiều”, ứng dụng thuần Việt này đã bứt phá ngoạn mục.
Chỉ cách đây vài tháng, Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí số 1 Việt Nam – còn chênh vênh bên bờ vực thảm bại. Nhưng bằng sự quyết tâm thay đổi, nắm bắt được cơ hội “đảo chiều”, ứng dụng thuần Việt này đã bứt phá ngoạn mục.
Ứng dụng thuần Việt từ điểm yếu đã trở thành thế mạnh của Zalo trong cuộc chiến với các đối thủ ngoại
Yếu tố nội địa
Thành hay bại cũng chính nhờ yếu tố nội địa. Khi khởi động dự án Zalo và tung ra phiên bản thử nghiệm, ứng dụng thuần Việt này không hề nhận được sự chú ý đáng kể nào của người dùng. Thực tế khá cay đắng cho một sản phẩm do người Việt sản xuất là khó có thể tìm được chỗ đứng trong một thị trường đầy rẫy những đối thủ “khổng lồ” ngoại bang. Lý do, là chẳng có lý do gì để người dùng từ bỏ Wechat, Line, Kakao Talk, Viber.. để đến với Zalo. Niềm tin chiến thắng của Zalo là một con số không tròn trĩnh.
Thời khắc lội ngược dòng của Zalo vào đầu tháng 1.2013. Nhờ có sự ủng hộ và nhìn nhận công bằng của người dùng trong nước cho một sản phẩm thuần Việt, Zalo đã thực hiện một cú “đại nhảy vọt” trên bảng xếp hạng của App Store Việt Nam, vượt qua cả Wechat - ứng dụng cùng loại của Trung Quốc – vốn đang thống trị thị trường thời điểm đó.
Sự kiện Wechat đưa bản đồ “Đường lưỡi bò” vào phiên bản tiếng Trung đã giúp cho yếu tố thuần Việt trở thành một lợi thế to lớn cho Zalo. Cộng hưởng với tinh thần dân tộc của người dùng trong nước đang lên rất cao, ứng dụng thuần Việt Zalo đã trở thành biểu tượng của công nghệ trong nước trước cuộc chiến với những “gã khổng lồ” nước ngoài.
Quyết tâm thay đổi vì chất lượng
Tuy nhiên, trong một lĩnh vực thay đổi nhanh chóng và đào thải khốc liệt như Internet, viễn thông thì thành công ngày hôm qua có thể không giúp ích nhiều trong ngày hôm nay và ở một vài trường hợp có thể trở thành lực cản cho ngày hôm sau.
Để giữ chân cũng như đón tiếp những khách hàng khó tính, đã từng có trải nghiệm với các sản phẩm chuyên nghiệp của nước ngoài không thể chỉ dựa vào sự ủng hộ mà phải bằng một sản phẩm có chất lượng thực sự. Muốn giữ vững vị trí số 1 trong bảng xếp hạng cũng phải trông cậy vào chất lượng sản phẩm. Và bí quyết làm nên thành công thực sự của Zalo chính là quá trình thay đổi đột phá, chấp nhận thất bại để làm lại từ đầu.
Khi bắt tay vào làm Zalo, nhóm những nhân sự xuất sắc nhất của bộ phận phát triển các dịch vụ trên Internet của Zing đã sử dụng rập khuôn thiết kế Web với Zalo chứ không phải là một sản phẩm được phát triển từ đầu cho mobile. Và hệ quả là, phiên bản thử nghiệm ra mắt hồi tháng 8.2012 đã không được người dùng đánh giá cao. Thế mạnh làm sản phẩm web bỗng chốc biến thành trở ngại lớn khi Dream Team phát triển Zalo, một ứng dụng đòi hỏi công nghệ cao trên nền tảng di động.
Khởi động đã chậm hơn đối thủ nước ngoài, khoảng cách với họ là rất xa, lại cộng thêm sai lầm lớn vào lúc khởi đầu, Zalo dường như không có “cửa” để phát triển. Tuy nhiên, khi đã ở vào thế “bị dồn tới chân tường”, nhóm phát triển Zalo đã làm việc không kể ngày đêm với những thay đổi mang tính cách mạng cho sản phẩm. Tinh thần làm việc của nhóm đã khiến Lãnh đạo của một Cty Viễn thông phải thốt lên “Họ đang chiến đấu như những con thú bị thương”.
Sau hơn một tháng đưa ra thị trường, từ tháng 11.2012, sản phẩm đã nhận được kết quả rất đáng khích lệ và ngày 8.1.2013 Zalo đã nhảy vọt lên vị trí số 1 của App Store Việt Nam. Tiếp theo là sự tăng trưởng chóng mặt về số lượng người dùng. Tính đến đầu tháng 3.2013 đã có hơn 1 triệu thành viên, đồng thời trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động số 1 của Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Zalo với các đối thủ lớn nước ngoài vẫn còn tiếp diễn. Nhóm phát triển Zalo vẫn còn vô số việc phải làm để giúp sản phẩm thuần Việt thực sự có địa vị thống lĩnh trên thị trường. Và có lẽ Dream Team của Zing sẽ còn phải biến nhiều trở ngại khác thành “thần dược” cho sự phát triển của Zalo.
theo Lao động