Ngày 14/4, nguồn tin từ Sở Tài chính tỉnh Bình Phước cho hay cơ quan này vừa có tờ trình trình UBND tỉnh danh sách các cán bộ liên quan phải khắc phục hậu quả do việc định giá (giảm giá), bán đấu giá 323ha cao su để làm đường Lộc Tấn-Bù Đốp sai qui định.
Ngày 14/4, nguồn tin từ Sở Tài chính tỉnh Bình Phước cho hay cơ quan này vừa có tờ trình trình UBND tỉnh danh sách các cán bộ liên quan phải khắc phục hậu quả do việc định giá (giảm giá), bán đấu giá 323ha cao su để làm đường Lộc Tấn-Bù Đốp sai qui định.
Ông Nguyễn Tuấn Cảnh, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, bị lực lượng công an bắt giữ ngày 22/2.
Theo danh sách, có 17 quan chức từ chủ tịch UBND tỉnh đến cán bộ thuộc các sở, ban ngành liên quan phải tự bỏ tiền túi để khắc phục trên 25 tỉ đồng thất thoát do bán 323ha cao su sai qui định (Tuổi Trẻ ngày 23-11-2012 và 22-2-2013).
Người đứng đầu danh sách phải bỏ tiền túi để khắc phục sai phạm là ông Trương Tấn Thiệu, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Khi còn đương chức, ông Thiệu đã ký quyết định để bán thẳng không qua đấu giá 3 lô cao su mà mỗi lô chỉ có 1 người tham gia đấu giá. Sau đó, ông Thiệu tiếp tục ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm (292 ha cao su).
Kế đến là ông Nguyễn Văn Lợi, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Ông Lợi có trách nhiệm khắc phục sai phạm do đã ký quyết định điều chỉnh giá khởi điểm 3 lô cao su không qua đấu giá và quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá 292 ha cao su cho khách hàng Lê Văn Sương.
Bên cạnh đó các cán bộ liên quan gồm: ông Phạm Công, giám đốc Sở Tài chính, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh; ông Phạm Thụy Luân, phó chánh Văn phòng UBND tỉnh và ông Trần Lê Thương, chuyên viên phòng Kinh tế UBND tỉnh.
Ông Công, ông Luân và ông Thương đều đóng vai trò tham mưu và ký 3 quyết định tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh giá khởi điểm, bán thẳng không qua đấu giá 323ha cao su.
Ngoài ra các cán bộ, lãnh đạo liên đới sai phạm phải bỏ tiền túi khắc phục hậu quả gồm:
- Ông Nguyễn Hoàng Thái, nguyên giám đốc, hiện là chủ tịch UBND thị xã Phước Long;
- Ông Nguyễn Tân Xuân, quyền giám đốc Sở Tài chính vào cuối năm 2010 đến giữa năm 2011, hiện là chủ tịch UBND thị xã Bình Long;
- Ông Trương Văn Phẩm, nguyên phó giám đốc Sở Tài chính (đã bị bắt tạm giam ngày 22-2-2013);
- Ông Nguyễn Xuân Hiệp, chuyên viên phòng giá – quản lý công sản Sở Tài chính;
- Ông Trần Minh Luân, nguyên trưởng Phòng giá – Quản lý công sản Sở Tài chính (lúc bị bắt tạm giam ngày 22-2-2012 là giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bình Phước);
- Ông Nguyễn Tuấn Cảnh, giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản kiêm phó giám đốc Sở Tư pháp (đã bị bắt tạm giam ngày 22-3-2013);
- Ông Phan Ngọc Sự, nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, hiện là phó giám đốc Sở Tài chính;
- Ông Nguyễn Văn Tám, chủ tịch huyện Bù Đốp;
- Ông Võ Hữu Phúc, phó Phòng tài chính Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh;
- Ông Mai Đình Lương, phó Phòng Nghiệp vụ - Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT);
- Bà Hà Thị Thu Hiền, kế toán Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, thư ký ghi biên bản các cuộc bán đấu giá;
- Ông Nguyễn Khắc Điệp, chuyên viên Phòng giá đất giải tỏa bồi thường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, thành viên hội đồng.
Đây là một trong ba vụ án mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu, nguyên chủ tịch UBND tỉnh.
Cũng theo nguồn tin từ Sở Tài chính tỉnh Bình Phước, cơ quan này đã hoàn trả trên 96,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các khách hàng đã mua 323 ha cao su, bao gồm số tiền họ đã mua đấu giá, công chăm sóc cao su, các chi phí hợp lý khác.
Căn cứ biên bản của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cá nhân liên quan đến vụ bán đấu giá 323ha cao su sai qui định phải chịu trách nhiệm về số tiền lãi phải trả cho các khách hàng.
Tỉnh ủy Bình Phước cho biết vụ án bán đấu giá 323ha cao su thuộc vườn cao su tạo quỹ làm đường Lộc Tấn – Bù Đốp hiện vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Theo Tuổi Trẻ