'Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng họ đi cấp cứu. Ai cũng làm hết, không chỉ mình em', T. thổ lộ.
Anh L.V.T đang kể lại chuyện cấp cứu nạn nhân
Chiều 2.7, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Vy, Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, cho biết liên quan việc tham gia cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn giao thông trưa 30.6 trên QL14 thuộc xã Đăk Hrinh, H.Đăk Hà (Kon Tum), đến nay có 24 người nghi phơi nhiễm HIV, trong đó có 6 người dân, còn lại là cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm y tế H.Đăk Hà.
“Tất cả các trường hợp này đã được xét nghiệm, khám và cấp thuốc điều trị ARV. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo gửi Sở Y tế Kon Tum và Bộ Y tế về những trường hợp nghi bị phơi nhiễm nói trên”, bác sĩ Diệu Vy nói.
Chiều cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Đôn, Trưởng phòng Khám điều trị chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum xác nhận: một nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông ngày 30.6 bị nhiễm HIV/AIDS tên T.T.M (trú ở TT.Plei Kần, H.Ngọc Hồi, Kon Tum), là trường hợp đơn vị đã có trong danh sách theo dõi. Khi nạn nhân này được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Đăk Hà, các y, bác sĩ ở đây phát hiện giấy tái khám HIV của nạn nhân trong túi áo nên lập tức thông báo cho tất cả những người đã tham gia cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn giao thông.
Trong những người trực tiếp tham gia khiêng, bế nạn nhân M. đi cấp cứu có anh L.V.T (28 tuổi), nhà ở sát hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Sáng 2.7, anh T. cho biết khi nghe tin vụ tai nạn, anh cùng người chú và một số người hàng xóm chạy đến hiện trường để giúp nạn nhân.
“Đến hiện trường, thấy cảnh mỗi người văng một nơi, nhiều người bất tỉnh, tôi liền lấy xe tải ở nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Đăk Hà. Trong đó, 8 người bị thương nặng chở đi trước”, anh T. kể lại.
Sau khi đưa lên xe, anh T. tìm điện thoại nạn nhân để gọi người nhà của họ. Khi chuyển 8 nạn nhân đến Trung tâm y tế H.Đăk Hà, anh T. quay ra thì gặp xe cấp cứu chở nạn nhân T.T.M. (sau này xác định đã tử vong tại hiện trường) vừa đến, nên anh quay sang cùng với một người tên Đ. (người nhà bệnh nhân) đưa nạn nhân vào.
Khi đó, anh T. nâng phần đầu, còn anh Đ. giữ phần chân, thân nên máu nạn nhân có dính vào vết thương mà anh T. bị trầy xước trước đó. “Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng họ đi cấp cứu.
Ai cũng làm hết, không chỉ mình em”, T. thổ lộ. Anh T. cũng cho biết, anh và người nhà đã nhiều lần dùng xe tải gia đình chở nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đoạn QL14 đoạn ngang nhà đi cấp cứu.
Chiều 2.7, trung tá Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum, cho biết có nghe về trường hợp anh L.V.T. Ông Hướng nói sẽ xác minh và báo cáo cấp trên, nếu đúng như người dân kể sẽ kịp thời khen thưởng trường hợp này.
Trả lời Thanh Niên ngày 2.7, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết khi xác định các trường hợp bị phơi nhiễm, nghi phơi nhiễm HIV, cơ sở y tế cần xác định sớm mức độ phơi nhiễm để có chỉ định dự phòng phù hợp.
Trong trường hợp xác định cần uống thuốc kháng vi rút phòng nhiễm HIV, người bị phơi nhiễm cần được uống càng sớm càng tốt và uống trong vòng 72 giờ sau khi được xác định nguy cơ. Uống thuốc hằng ngày trong vòng một tháng. Sau dùng thuốc một tháng sẽ xét nghiệm lại.
Sau 3 tháng kể từ khi dùng thuốc dự phòng, cần xét nghiệm lại lần hai. Nếu kết quả xét nghiệm lại lần 2 âm tính, trường hợp phơi nhiễm đó có thể khẳng định không bị nhiễm HIV.
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, mỗi năm đều có các trường hợp y, bác sĩ, nhân viên y tế nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn như phẫu thuật, tiêm truyền, thăm khám và chăm sóc người nhiễm HIV nhưng chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi phơi nhiễm.
Các thuốc kháng vi rút được cấp miễn phí cho các trường hợp bị phơi nhiễm khi nhân viên y tế đang làm công tác chuyên môn, người làm nhiệm vụ.
Liên Châu
Phạm Anh
Theo Thanh Niên