Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu đạt 7.415 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp đạt 30%, giảm 1 điểm % so với quý 3/2022.
Theo đó, Doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% lên 373 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính tăng 46% lên hơn 10 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 4% xuống 1.112 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 3% xuống 204 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22%. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận công ty tăng trưởng âm.
Trong báo cáo giải trình, Sabeco cho biết kết quả kinh doanh giảm sút do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng bia với nhau. Bên cạnh đó là nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí đầu vào tăng, còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không giảm được nhiều.
Năm nay, sabeco đặt mục tiêu 40.272 tỷ đồng doanh thu, 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 15% và 5% so với 2022. Như vậy, sau ba quý, Sabeco mới thực hiện được 54% kế hoạch doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh đi xuống nhưng điểm cộng của Sabeco vẫn là tình hình tài chính lành mạnh. Tổng tài sản của công ty tại thời điểm cuối quý 3/2023 là 33.426 tỷ đồng, với tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn gần 22.400 tỷ đồng (chiếm 67% tổng tài sản). 9 tháng đầu năm nay, công ty thu về hơn 1.052 tỷ đồng tiền lãi.
Ngược lại, Sabeco chỉ đi vay 648 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 26.519 tỷ đồng, bao gồm 17.637 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có tiền thân là Nhà máy bia Sài Gòn được thành lập năm 1977. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và chính thức cổ phần hóa, đổi tên thành Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào đầu năm 2008. Ngày 06/12/2016, cổ phiếu của Tổng Công ty được niêm yết trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 18/12/2017, sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco, công ty Vietnam Beverage sẽ trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 53,59% cổ phần của Sabeco. Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017 với vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng. Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49% cổ phần của F&B Alliance Việt Nam, công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Vietnam Beverage.
Trong suốt quá trình hoạt động, Sabeco luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của ngành, địa phương và đất nước. Sabeco hiện đang nắm giữ 40% thị phần sản xuất bia tại Việt Nam, phân phối khắp cả nước và xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới.
Trong những năm qua, Sabeco luôn duy trì được tốc độ phát triển vượt trội hàng năm trên 20%. Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. Trải qua bao khó khăn và thách thức, đến nay , dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan...
SAB vốn là một trong những mã đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên sau khi công ty thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 100%, thị giá đã được điều chỉnh.
Trên thị trường, cổ phiếu của Sabeco đang trong giai đoạn lao dốc. Từ đầu tháng 9 đến nay, mã đã giảm 20% giá trị, từ vùng giá hơn 80.000 đồng lùi về 66.000 đồng (kết phiên 26/10).
Tiến Hoàng/KTDU