1. Nữ đại gia lừa mất chức ở Công ty chứng khoán Phương Đông
Huỳnh Thị Huyền Như trở thành cái tên đình đám khi phi vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng vỡ lỡ, gây chấn động thị trường chứng khoán vào đầu tháng 10. Nữ đại gia lừa là người có tiếng chịu chi trong giới OTC, kết giao rộng rãi trong giới tài chính và còn có chân trong Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty chứng khoán Phương Đông.
Sau thông tin Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt, giá cổ phiếu ORS lao dốc mạnh vì không ai muốn đặt kỳ vọng vào một doanh nghiệp có dính dáng tới siêu lừa nghìn tỷ. Một cuộc họp đại hội cổ đông bất thường bãi miễn chức vụ bà Như đã được triển khai. Rất nhanh chóng, nội dung này được cổ đông thông qua, kết thúc thời gian gần 7 tháng giữ chức Thành viên HĐQT của nữ đại gia.
Chấm dứt mọi liên quan tới bà Huyền Như cũng là lúc Chứng khoán Phương Đông gần như kiệt sức, quyết định rút niêm yết trên sàn Hà Nội. Tới ngày 23/12, ORS là một trong 2 cổ phiếu rẻ nhất sàn Hà Nội, với 1.700 đồng.
2. Chứng khoán Thăng Long thay tướng
Chưa khi nào, nhân sự trong ngành chứng khoán biến động mạnh như năm nay. Nhân viên nghỉ việc, sếp chứng khoán ra đi hàng loạt, thậm chí đổi cả dàn lãnh đạo không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, việc đổi tướng ở Công ty chứng khoán Thăng Long vào cuối năm vẫn khiến giới đầu tư xôn xao.
Ông Lưu Trung Thái (trái) và ông Lê Đình Ngọc (phải). Ảnh: MB, TLS.
Người từng đưa Chứng khoán Thăng Long từ một công ty không mấy tên tuổi vào hàng đại gia trên thị trường, với thị phần môi giới số một, cuối cùng cũng phải thốt lên khi ra đi: "...không thể tiến tới đích đã định, một định chế mạnh, với những thành viên sung túc".
11 năm ở cương vị "thuyền trưởng", trải qua bao thăng trầm cùng thị trường nhưng ông Lê Đình Ngọc - nguyên Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long (TLS) không thể lèo lái con thuyền TLS tránh khỏi thua lỗ trong 2011. Với khoản nợ xấu hơn 250 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội buộc phải cung cấp gói cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp công ty này hoạt động ổn định.
Người kế nhiệm, ông Lưu Trung Thái tự nhận việc ngồi vào chiếc ghế nóng là "thách thức lớn nhất từng gặp".
3. Nguyên Chủ tịch HĐQT HASC biến mất cùng khoản nợ 100 tỷ đồng
Đang trong giai đoạn ảm đạm, thị trường lại hứng chịu thêm cú sốc trốn nợ từ lãnh đạo Công ty chứng khoán Hà Thành (HASC). Tháng 4, ông Trương Duy Sơn - Chủ tịch HĐQT HASC đột ngột biến mất. Ông Sơn và một số người có liên quan đã lập ra một số tài khoản cá nhân, vay và bảo lãnh số tiền hơn 100 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để kinh doanh chứng khoán, nhưng bị thua lỗ. Số âm trên tài khoản này còn cao hơn cả vốn chủ sở hữu của công ty.
Nhân sự trong ngành biến động mạnh chưa từng có. Thị trường chứng khoán khó khăn.
Hội đồng quản trị HASC ngay sau đó đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch và tư cách người đại diện theo pháp luật đối với ông Trương Duy Sơn kể từ ngày 17/4, đồng thời siết nợ tài sản cá nhân của vị này để bù đắp khoản thâm hụt. Đại diện cho các cổ đông điện lực tại HASC, ông Bùi Quang Hùng được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới thay thế.
4. Miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Chứng khoán Đông Dương
Bãi miễn các vị trí chủ chốt là điều thường thấy ở các công ty chứng khoán trong năm nay. Tuy nhiên, biến động nhân sự cấp cao tại Công ty chứng khoán Đông Dương (DDS) vừa qua còn trùng với thời điểm công ty này ra một quyết định "dũng cảm".
Giữa tháng 12, DDS đột ngột tuyên bố rút nghiệp vụ môi giới, chuyển tài khoản khách hàng sang công ty chứng khoán Kim Eng. Vài ngày sau, DDS công bố thông tin miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Vũ Trần Dương. Ở mảng môi giới, ông Dương là người thành công nhất về doanh số và khả năng phát triển đội ngũ tại công ty.
Chứng khoán Đông Dương từng là "căn cứ địa" của giới OTC, nhất là thời kỳ các môi giới chuộng đánh cổ phiếu ngân hàng MB, Eximbank, sàn này nhộn nhịp từ sáng tới chiều tối. Trong đó, phát triển chất lượng dịch vụ tư vấn cho khách hàng đầu tư chứng khoán chưa niêm yết (OTC) là một trong những mảng phụ trách trọng yếu của ông Dương.