Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Gia Lai đã công bố các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, Dự án du lịch sinh thái Hồ Ayun Hạ được tỉnh Gia Lai cấp 500 ha để xây dựng. Tỉnh Gia Lai kỳ vọng dự án này được đầu tư sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế dần dịch chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ, đặc biệt giúp các làng đồng bào dân tộc thiểu số Bana, Jrai sinh sống quanh khu vực hồ Ayun Hạ phát triển kinh tế giao lưu hội nhập.
Dự án du lịch sinh thái Hồ Ayun Hạ, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai cách quốc lộ 25 khoảng 13km, do UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép.
Theo Ban tổ chức, Dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya có diện tích 5.191 ha, trong đó diện tích xây dựng dự kiến 1.000 – 1.500 ha. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu xây dựng Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya trở thành Khu du lịch quốc gia tạo động lực thu hút khách du lịch và thúc đẩy du lịch Gia Lai phát triển, góp phần phát triển du lịch Vùng Tây nguyên và Việt Nam; tạo điểm nhấn trên các tuyến du lịch quan trọng của quốc gia và khu vực. Dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép.
Dự án Trung tâm Logistics Quốc tế Tây Nguyên có diện tích 511 ha, trong đó giai đoạn 1 là 266 ha, giai đoạn 2 là 245 ha, nằm ở huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải container nội địa đang tăng nhanh, chia sẻ cho vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường. Dự án do UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai sẽ dành quỹ đất 75 ha để xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radian, sản phẩm cao su kỹ thuật và cao su băng tải và 75 ha thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp do UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép.
Tiến Hoàng/KTDU