Trong năm 2011, giá xăng, điện tăng cao kéo theo giá các loại sản phẩm tiêu dùng từ lớn đến nhỏ như than, xi măng, sắt thép, gạch ngói... tăng theo.
Trong năm 2011, giá xăng, điện tăng cao kéo theo giá các loại sản phẩm tiêu dùng từ lớn đến nhỏ như than, xi măng, sắt thép, gạch ngói... tăng theo.
Xăng dầu "nổ phát súng" đầu tiên
Ngày 24/2/2011, giá xăng dầu trong nước đã chứng kiến một đợt "bứt phá" về giá khi xăng A92 có "bước nhảy" kỷ lục: tăng tới 2.900 đồng/lít, lên mức 19.300 đồng/lít. Dầu diezen tăng 3.550 đồng/lít, từ 14.750 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít (đối với diezen 0,05S); Dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít, từ 15.100 đồng/lít lên 18.200 đồng/lít, Dầu ma-dút tăng 2.110 đồng/kg, từ 12.690 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg (đối với ma dút N°2B(3,5S)).
Mức 21.300 đồng/lít xăng là mức tăng kỷ lục.
Chưa dừng lại ở đó, theo quyết định của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 22h ngày 29/3/2011 giá xăng A92 tiếp tục tăng thêm 2.000 đồng/lít, từ 19.300 lên 21.300 đồng/lít. Dầu diezen tăng 2.800 đồng/lít, lên mức 21.100 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.600 đồng/lít, từ 18.200 lên 20.800 đồng/lít. Dầu ma dút tăng 2.000 đồng/kgtừ 14.800 lên 16.800 đồng/kg.
Đi kèm với những đợt tăng giá mạnh, người tiêu dùng luôn được Bộ Tài chính giải thích xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới.
Sau nhiều tháng tăng giá, cho đến ngày 26/8/2011, Bộ Tài chính bất ngờ có thông báo giảm giá xăng dầu. Theo đó mức giảm 500 đồng được áp dụng với các loại xăng. Giá dầu diezen giảm 300 đồng/lít, loại 0,05S từ 21.100 đồng/lít xuống còn 20.800 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 300 đồng/lít, từ 20.800 đồng/lít giảm xuống còn 20.500 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô trên thế giới đang có xu hướng giảm. Chính vì thế, động thái này của Bộ Tài chính cũng không đủ sức thuyết phục với đông đảo người tiêu dùng. Người tiêu dùng vẫn vòn mơ giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm thêm.
Giá điện cũng "đột phá" ngoạn mục
"Chỗ dựa" cho việc tăng giá điện bắt đầu từ ngày 11/2/2011, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường, trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nghèo, khó khăn. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3.
Giá điện năm 2012 tăng 15,8%.
Theo đó, giá điện năm 2011 sẽ tăng từ 1.058 đồng mỗi kWh lên 1.220 đồng mỗi kWh tương đương với 15,28%.
Trong khoảng từ tháng 3 đến nay, Tổng công ty điện lực Việt nam (EVN) cũng liên tục đề xuất tăng giá điện, tuy nhiên vấp phải nhiều rào cản lớn nên quyết định tăng tiếp giá điện của EVN bị trì hoãn lại sang năm 2012. Nhiều khả năng sang năm 2012, giá điện sẽ tăng khoảng 13% so với thời điểm hiện tại.
Giá điện tăng kéo theo giá của các loại sản phẩm tiêu dùng từ lớn đến nhỏ đều tăng theo như than, xi măng, sắt thép, gạch ngói...
Tăng đến 30%, giá sữa ngoại trở thành nỗi ám ảnh của các bà mẹ
Giá điện tăng chưa lâu, người tiêu dùng lại chứng kiến sự "ăn theo" tăng giá nhanh chóng của các hãng sữa ngoại. Cụ thể bắt đầu từ tháng 3/2011, các công ty sữa ra thông báo tăng giá sữa từ 10 đến 13%, thậm chí một số công ty mạnh dạn đề xuất mức tăng là 20%.
Theo đó giá các loại sữa như sau: EnfaMama 900gr có giá mới 313.000 đồng/hộp, Enfalac hộp thiếc 900gr: 396.000 đồng/hộp, EnfaGrow: 384.000 đồng/hộp, sữa Dollac IQ từ 180.250 đồng/hộp thiếc 900gr lên 189.263 đồng/hộp. Dollac Pro có giá mới 193.598 đồng/hộp thiếc 900gr, sữa dành cho bà mẹ Mamalac 165.996 đồng/hộp thiếc 900gr...
Nhưng đợt tăng giá bất ngờ nhất là 1/12/2011, một số công ty sữa thông báo tăng giá đến 20%. Cụ thể, Công ty Mead Johnson đăng ký tăng giá 18-19% cho 3 trong 35 dòng sản phẩm như Anfalac loại 400 gram, Lactofree powder 400 gram, Prgestimil lipid powder 400 gram . Công ty TNHH Dược phẩm 3A chuyên phân phối sữa của Hãng Abbott nâng giá khoảng 9% đối với tất cả các loại sữa.
Mặc dù giá sữa nguyên liệu không tăng nhiều so với năm 2010, nhưng giá sữa bột vẫn âm thầm tăng giá gần 30%.
Tương tự, từ ngày 20/12, Công ty Nestlé Việt Nam cũng áp dụng điều chỉnh giá lên 8% đến 10% đối với 2 loại sữa là Nan và Lactogen Gold. Cách đây hơn 3 tháng, dòng sữa Lactogen, nhập khẩu từ Philippines của đơn vị này đã nâng giá 3% đến 10%. Đây cũng là đợt tăng giá thứ 3 trong năm 2011 của thị trường sữa bột.
Các loại sữa tăng giá trong lần này đều là sữa ngoại. Với mức tăng từ 8% đến đỉnh điểm là 19% như trên, giá các loại sữa của những hãng trên sẽ lên giá từ 10.000 đồng đến hơn 100.000 đồng mỗi hộp, tùy theo thương hiệu và khối lượng.
Như vậy chỉ trong vòng một năm, giá sữa ngoại tăng lên khoảng 30% so với năm ngoái.
Giá thịt lợn, tăng đến 100%
Trong các sản phẩm tăng giá trong năm 2011 có lẽ người tiêu dùng "choáng" nhất là giá tăng của các loại thực phẩm trong đó giá tăng thịt lợn là kinh khủng nhất. Có thời điểm, giá thịt lợn tăng vọt lên khoảng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Cơn lốc tăng giá thịt bắt đầu từ tháng 3/2011 khi các loại điện, xăng dầu tăng giá cộng thêm Nhà nước phá giá tiền 8.5% khiến giá các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn tăng khá mạnh. So với thời điểm trước và trong Tết Nguyên Ðán 2011, mức tăng này dao động từ 20-30%.
Thịt lợn tăng giá mạnh khiến các thực phẩm khác cũng tăng.
Chưa dừng lại ở đó, mức tăng liên tục được diễn ra trong vài tháng sau đó và đỉnh cao là đến tháng 7/2011 giá thịt lợn được dự đoán tăng kinh khủng nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu của cơ quan thông kê Hà Nội, vào tháng 7/2010, theo đơn vị mỗi kg, thịt ba chỉ có giá 45.000-50.000, thịt mông sấn là 55.000-60.000 đồng, thịt nạc thăn đắt nhất với 68.000-70.000 đồng. Tại thời điểm hiện nay, giá thịt mông sấn và ba chỉ đã lên tới 100.000-110.000 đồng, thịt nạc thăn, nạc vai, sườn là 130.000 đồng/kg.
Không chỉ thịt lợn, các loại thịt bò, gà, cá cũng tăng giá đến 50% trong vòng một năm qua. Giá mỗi cân thịt gà ta làm sẵn là 140.000 đồng, bò thăn là 1800.000-200.000 đồng, cá chép loại to có giá 75.000 đồng. Trong khi đó, thời điểm này một năm về trước, giá thịt gà chỉ là 100.000 đồng, bò thăn được bán với 160.000 đồng và cá chép cũng chỉ 55.000 đồng/kg.
Thuốc "loạn" giá, bệnh nhân méo mặt
Từ 1/1/2011 đến đầu tháng 3/2011, 20 công ty dược thông báo có điều chỉnh tăng giá thuốc với khoảng 240/4.000 mặt hàng tăng giá với tỉ lệ khoảng 6%, biên độ điều chỉnh từ 3% đến 30%.
Khảo sát của Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh Dược Việt Nam về tình hình thị trường dược phẩm tháng 6 đầu năm cho thấy, nhiều loại thuốc đã đua nhau tăng giá. Đáng chú ý là mặt hàng thuốc ngoại nhập, trong số 3.097 lượt mặt hàng được khảo sát có 20 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 5,2% và tuyệt nhiên không có mặt hàng nào giảm giá.
Thuốc cũng là một nhóm hàng tăng giá nhiều năm qua.
Tăng nhiều nhất là Dicloan từ Nitromint Spray từ 55.000 đồng/lọ lên 60.000 đồng/lọ; Urgo tăng từ 29.488 đồng/hộp lên 31.815 đồng/hộp; Ocuvit từ 150.000 đồng/hộp lên 157.000 đồng/hộp; Cefadroxil 500mg từ 93.000 đồng/hộp lên 95.000 đồng/hộp…
Với mặt hàng thuốc nội, cũng có 53 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 4,6% trong khi chỉ có 5 lượt mặt hàng giảm giá với sức giảm hết sức… nhỏ giọt! Cụ thể, thuốc tăng giá: Hydrite từ 96.000 đồng/hộp lên 100.000 đồng/hộp; Solmuc tăng từ 220.000 đồng/hộp lên 228.000 đồng/hộp; Neopyrazole tăng từ 117.000 đồng/hộp lên 121.000 đồng/hộp….
Theo báo cáo của Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh Dược Việt Nam, hàng tháng có khoảng 0,8% tổng số mặt hàng tăng giá, ước tính cả năm khoảng 9,6% mặt hàng tăng giá. Còn kết quả của Tổ Điều tra thị trường trong nước của Cục Quản lý Dược, thị trường cơ bản được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra tăng giá đồng loạt, đột biến. Tuy nhiên, thị trường tự do thật thì vẫn dựa hơi vào lạm phát để tăng theo.
Giá thuốc tăng vù vù khiến nhiều bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh bỏ bệnh viện về quê tự trị bệnh và phó mặc cho số phận của mình.
Theo Giao duc