Thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 có nhiều tín hiệu phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Những thay đổi trong chính sách, môi trường kinh doanh, cũng như tâm lý người tiêu dùng đã góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp, bao gồm 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Trong giai đoạn 2023-2024, thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn và biến động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù, tốc độ phục hồi còn chậm, song có thể thấy đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực.
Năm 2024 Cục QLGSBH tiếp tục thực hiện chức năng quản lý, giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, Cục QLGSBH tiếp nhận, rà soát, trình Bộ các thủ tục phê chuẩn chức danh quản trị điều hành, đăng ký cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, tách quỹ, chia lãi...
Đồng thời, Cục QLGSBH thực hiện quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam…
Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thông qua quản lý, giám sát, Cục QLGSBH đã làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới để tăng cường quản lý, giám sát, đồng thời nắm bắt về khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn về việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp.
Trong năm 2024, công tác quản lý, giám sát được thực hiện thường xuyên, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa, thường xuyên trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức (họp trực tiếp, hội thảo, trao đổi qua email,v.v…) với bám sát thực tiễn diễn biến thị trường, thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá, phát hiện các vướng mắc để có thể nắm bắt và có hướng điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các thủ tục hành chính được thực hiện đúng thời hạn và ngày một rút ngắn về thời gian, thủ tục...
Về cơ chế, chính sách, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ ban hành Thông tư số 85/2024/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Cục cấp phép cho 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 3 doanh nghiệp bảo hiểm môi giới bảo hiểm. Đồng thời hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chấn chỉnh các biểu hiện sai phạm nhằm phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh. Theo đó, năm qua, Cục đã xử phạt đối với 9 doanh nghiệp, nộp vào ngân sách Nhà nước 1,32 tỷ đồng.
Riêng đối với vấn đề khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Tính đến ngày 13/12/2024, trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, đã xử lý 161 vụ về người với số tiền bảo hiểm ước tính là 25,7 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác đã xử lý tổng cộng 14.614 vụ, ước tính thiệt hại là 10.604,2 tỷ đồng. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường 696,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tạm ứng là 678,5 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tạm ứng 17,7 tỷ đồng.
Tiến Hoàng/KTĐU