Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã thu về 1,837 tỉ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ 2022.
Theo đó, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%).
Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết nguyên nhân giúp rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc, Mỹ tăng mua. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc mua nhiều nhất.
"Nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu nắm bắt tốt yêu cầu thị trường Trung Quốc theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP). Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể trên 4 tỷ USD.
Trung Quốc đang chuộng nông sản Việt, tuy nhiên, thị trường này ngày càng yêu cầu cao. Do đó, Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu phải hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.
Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.
Bên cạnh đó, hiện tại miền Tây đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế nhưng ở các tỉnh miền Đông lại đang bắt đầu vào vụ sầu riêng, sau đó là các tỉnh Tây nguyên. Đây là điều thuận lợi của sầu riêng VN vì được thu hoạch liên tục gần như quanh năm. Hiện giá mua sầu riêng tại vườn dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Ngoài sầu riêng thì xuất khẩu bưởi da xanh đi Mỹ cũng đang thuận lợi. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, một số loại trái cây khác lại không quá khả quan do bị cạnh tranh gay gắt từ các loại trái cây của khu vực Nam Mỹ, cũng đang vào vụ thu hoạch.
Theo các doanh nghiệp, ngoài sầu riêng, thời gian qua xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng tốt như: thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây (leo)… Báo cáo sơ bộ của cơ quan hải quan cho biết riêng trong tháng 5, xuất khẩu rau quả đạt 466 triệu USD, tăng tới 19% so với tháng 4 và tăng gần 81% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả VN 4 tháng đầu năm, Hà Lan tăng trưởng mạnh nhất với 72%. Đáng chú ý, thị trường quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng gần 30%. Trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu rau quả từ VN trên 200 triệu USD.
Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang tương đương nhau với tỷ lệ khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thanh long đang chậm lại do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch và sức tiêu thụ kém. Còn sầu riêng tiếp tục đón nhận tin vui khi mới đây, phía Trung Quốc đã cấp thêm 47 mã số vùng trồng và 18 mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng VN.
Dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6 và 7. Bên cạnh đó, mặt hàng tỉ USD là sầu riêng có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống