Sự kiện hot
10 tháng trước

6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 707,5 nghìn tỷ đồng

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” cho biết, sau kết quả tăng trưởng khá cao của năm 2022, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Hơn 3400 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3

Theo đó, tháng 6/2023 có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022; 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, trong 6 tháng đầu năm có hơn 113 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong tháng 6/2023, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1,13%; khu vực dịch vụ đạt 6,33%.

Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có đóng góp quan trọng của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ năm 2022.

Tuy nhiên, báo cáo của CIEM chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

“Có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8% và chỉ tương đương 87,7% mức bình quân của cùng kỳ giai đoạn 2018-2022.

Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp cũng giảm tới 48,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 7,4%, đạt gần 38 nghìn doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.

Cũng theo CIEM, tình hình lao động, việc làm trong 6 tháng đầu năm đối mặt với không ít thách thức do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm và chi phí sản xuất tăng cao.

Dù vậy, tình hình lao động, việc làm cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Số lượng lao động có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%).

Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).

Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: