Các thị trường chủ chốt đều tăng trưởng, giá xuất khẩu bình quân tăng đã kéo giá trị xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm lên con số 165 triệu USD, tăng so với cùng kì năm 2018.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, thị trường chè trong nước không nhiều biến động do nguồn cung ổn định, đủ để cung cấp dù vào cao điểm như dịp Tết cổ truyền. Do đó, tình hình xuất chè xuất khẩu của Việt Nam đến nay cũng tương đối thuận lợi, xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đều tăng trưởng, giá chè xuất khẩu bình quân tăng so với cùng kì năm ngoái. Cụ thể, Theo số liệu thống kê Tổng cục hải quan 9 tháng toàn ngành xuất khẩu được 94 ngàn tấn với trị giá hơn 165 triệu USD, giá trung bình 1.759 USD/tấn, so cùng kỳ năm 2018 tăng 2,8 % về lượng và 9,4 % về trị giá. Trong đó, chè đen chiếm 50% về lượng giá bình quân 1.420 USD/tấn. Chè xanh (bao gồm cả chè Oolong và chè ướp hoa nhài) chiếm 49 % về lượng, giá bình quân 2.214 USD/tấn.
Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019, đạt 31 nghìn tấn, trị giá 62,3 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tiêu thụ chè đen của Pakistan đạt 172,9 nghìn tấn/năm, và dự báo sẽ tăng lên 250,75 nghìn tấn vào năm 2027. Với nhu cầu tiêu thụ chè ngày càng tăng, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè tiềm năng của Việt Nam.
Xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 13,9 nghìn tấn, trị giá 21,7 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè sang Nga gần 10,6 ngàn tấn trị giá trên 15,9 triệu USD, giảm 5% về lượng so với cùng kì năm 2018 và 7% về trị giá so năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng trưởng kinh tế Nga đã ở dưới mức trung bình toàn cầu trong vài năm qua, do cuộc khủng hoảng tài chính Nga từ năm 2014 và bị cấm vận kinh tế từ phương Tây. Mặc dù Nga đang dần thoát khỏi suy thoái nhưng người tiêu dùng Nga vẫn có xu hướng hướng tới các sản phẩm chè giá trung bình, thay vì các loại cao cấp. Cụ thể, giá trị nhập khẩu chè của Nga đã giảm liên tục từ năm 2014 đến nay, với tốc độ giảm trung bình hàng năm khoảng 5%/năm. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng nhập khẩu chè của Nga đã giảm 12,7% về lượng và giảm 17,4% so với cùng kì năm 2018.
Xuất khẩu chè sang thị trường thị trường Indonesia đạt trên 6,8 ngàn tấn trị giá 6,6 triệu USD, so năm 2018 giảm 2% về lượng và 5% về trị giá.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ ba, mặc dù lượng chè xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh, đạt 5,9 ngàn tấn trị giá trên 20 triệu USD, giảm 24% về lượng, nhưng giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3.384,4 USD/kg, tăng 66,2%.
Ngoài ra, xuất khẩu chè tại Mỹ đạt gần 4,4 ngàn tấn trị giá 5,5 triệu USD, lượng giảm 7% so năm 2018. Malaysia đạt số lượng 3,0 tấn trị giá 2,4 triệu USD, tương đương năm 2018. Tại Ả rập xê út với gần 1,5 ngàn tấn trị giá 3,8 triệu USD tăng 5% về lượng và 4% về trị giá so năm 2018. Ở Ucraina đạt hơn 1,0 ngàn tấn trị giá 1,8 triệu USD tăng 15% về lượng và 18% về trị giá so năm 2018. Với các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đạt hơn 0,7 ngàn tấn trị giá 1,2 triệu USD giảm 68% về lượng và 65% về trị giá so năm 2018. Ấn Độ với 0,7 ngàn tấn trị giá 1,0 triệu USD tăng 23% về lượng và 87% về trị giá so năm 2018. Ba Lan với 0,4 ngàn tấn trị giá 0,6 triệu USD giảm 47% về lượng và 51% về trị giá so năm 2018. Đức với hơn 0,1 ngàn tấn trị giá 0,6 triệu USD giảm 61% về lượng và 64% về trị giá so năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2019, thị trường chè nguyên liệu trong nước nhìn chung ổn định, không có biến động nhiều. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đồng/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg. Tại Lâm Đồng, giá chè cành và chè hạt tăng nhẹ 100 đồng/kg lên tương ứng mức 8.600 đồng/kg và 7.200 đồng/kg.
Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng