Sự kiện hot
23 giờ trước

Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững

Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”.

Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”

Diễn đàn được tổ chức với mong muốn tạo ra một nơi để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Thứ trưởng cho biết thêm, năm 2024, ngành nông nghiệp có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là thiệt hại của bão số 3. Song với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đặc biệt là xuất khẩu.

“Với sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp, đại biểu và nỗ lực không ngừng của bà con nông dân, các giải pháp hiệu quả sẽ được đề xuất, thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ kỳ vọng.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp năm 2024. 

Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%. Ngoài ra, phân bón cũng đang là mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong khi nhiều năm về trước chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Theo đánh giá của Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày về tình hình xuât khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2024 ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18%. Trong đó, rau củ quả ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 28,4%; gạo ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 23,1%; cà phê ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 28,7%; thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 10,3%; lâm sản ươc đạt 17,2 tỷ USD, tăng 18,9%.

Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi tham trưng bày tại Diễn đàn

Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2024 đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia (Trung Quốc - Hoa Kỳ - Asean, Trung Đông, EU). Xuất khẩu vào các thị trường trong điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có sự chậm lại qua các tháng.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ cũng đang ngày một tăng, phòng vệ thương mại ngày càng được quan tâm. Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa (đặc biệt là Trung Quốc).

“Để có được kết quả đó, các doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” – ông Phong cho hay.

PV/Theo KTDU


 

Từ khóa: