Sáng 13/04, Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đã diễn ra với 73,13% tỉ lệ cổ đông tham gia. Đại hội đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Theo đó, về kế hoạch kinh doanh, ACB đề ra mục đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế ACB đề ra cho năm 2023 là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.
Trong quý I/2023, ACB ước đạt lợi nhuận 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ 2022 và đạt 26% so với kế hoạch cả năm; tăng trưởng huy động hợp nhất 2,1% so với cuối năm 2022; CAR là 13,1%.
Trong các chỉ tiêu tăng trưởng thì tăng trưởng tín dụng của ACB đến quý I/2023 lại giảm 0,6%, nhưng theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, điều này đã được Ngân hàng dự báo trước. Bởi với diễn biến khó khăn của nền kinh tế và đặc thù của ACB là ngân hàng bán lẻ, nên việc sụt giảm tăng trưởng tín dụng là điều khó tránh trong quý I/2023.
ACB sẽ tiếp tục ổn định NIM, hài hòa lợi ích của ngân hàng và người gửi tiền, đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp, làm sao giảm lãi suất cho vay.
Vừa qua, ACB đã giảm lãi vay 3%, làm sao hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, kinh tế. Đồng thời, ACB cũng cố gắng tiết giảm chi phí, ổn định NIM.
Tuy nhiên, dư nợ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã dần hồi phục từ tháng 3/2023. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đến cuối quý I/2023 vẫn được kiểm soát mức dưới 1%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay bất động sản của ACB ở mức rất thấp và chủ yếu là bất động sản ở phân khúc cá nhân vay mua nhà, trong đó cho vay bất động sản kinh doanh chỉ chiếm 1% trên tổng dư nợ nên cũng không phải là điều đáng lo ngại về vấn đề nợ xấu.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống