Những ngày qua, nhiều người trong khu ký túc xá Đội Cung (Đội Cung, TP Huế) truyền tai nhau câu chuyện về ba anh em người dân tộc Pa Cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, đưa nhau xuống phố dự thi tuyển sinh.
Những ngày qua, nhiều người trong khu ký túc xá Đội Cung (Đội Cung, TP Huế) truyền tai nhau câu chuyện về ba anh em người dân tộc Pa Cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, đưa nhau xuống phố dự thi tuyển sinh.
Ba anh em Thang, Thành, Thiêng (từ trái qua) giúp nhau ôn bài tại ký túc xá Đội Cung,
TP Huế - Ảnh: Tiến Long
Đó là người anh Hồ Văn Thành (25 tuổi) cùng hai em Hồ Văn Thiêng và Hồ Văn Thang ở thôn 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Cha bị ung thư gan mất sớm, ít lâu sau mẹ cũng bị đột quỵ qua đời. Nhà có đến chín anh chị em, năm anh chị đầu đều có gia đình và ra ở riêng nhưng ai cũng khó khăn, bươn chải mưu sinh. Ba anh em Thành phải tự làm lụng nuôi nhau và chăm sóc em gái út bị tật câm và điếc.
Thiêng thi vào ngành giáo dục quốc phòng Trường ĐH Sư phạm Huế, còn Thang thi vào ngành báo chí Trường ĐH Khoa học Huế. “Muốn thay đổi cuộc sống chỉ còn một cách cố gắng học mà thôi. Lần này hai em nếu không đậu đại học, mình cũng cố gắng xin việc làm để hai em học cao đẳng hoặc trung cấp gì đó, sau này còn có nghề nghiệp nuôi sống bản thân” - anh Thành chia sẻ.
|
Dẫu vậy, cả ba anh em vẫn nung nấu quyết tâm theo đuổi con đường học vấn. Nhưng điều khiến nhiều người cảm phục về ba anh em Thành, Thiêng và Thang không chỉ là chuyện học hành. Năm 2010, vừa tốt nghiệp THPT, Thiêng dự định đăng ký dự thi vào một trường ĐH, CĐ nào đó. Thế nhưng lúc đó thấy anh Thành đang là sinh viên năm thứ hai (ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm Huế) còn Thang học lớp 10, Thiêng đành xách balô rời quê đi làm, tạm gác lại chuyện học hành. Song tận đáy lòng, ước mơ của Thiêng vẫn nguyên vẹn.
Thiêng ra Nghệ An làm thuê rồi sau đó vào Bình Dương làm công nhân, hằng tháng gửi tiền đều đặn về cho anh đi học. Thiêng kể hai năm đi làm, ban ngày làm mệt nhưng tối Thiêng vẫn cố gắng ôn tập kiến thức để khỏi quên. Mỗi lúc được nghỉ Thiêng vẫn tranh thủ đến nhà sách tìm mua sách để ôn luyện, chờ đợi thời gian trở về quê thực hiện ước mơ.
Đến năm nay, khi Thành vừa tốt nghiệp ra trường, Thang cũng vừa tốt nghiệp lớp 12, Thiêng biết đây là thời điểm thích hợp. Thiêng cố gắng làm quần quật, ngoài giờ làm chính Thiêng còn làm tăng ca, ai thuê gì làm nấy để tích góp tiền đủ lệ phí đưa về cho ba anh em đi thi... “Nói là đi làm tích cóp vậy thôi, chứ thật ra chẳng được bao nhiêu” - Thiêng chia sẻ. Lương làm thuê không nhiều, giá cả lại đắt đỏ, thanh toán xong tiền thuê nhà, mua vé xe về quê, Thiêng chỉ còn lại hơn 2 triệu đồng. Và đó cũng là số tiền ba anh em làm lộ phí đưa nhau đi thi.
Riêng Thành trong những ngày còn là sinh viên, vì thương Thiêng phải gác chuyện học tập đi làm nuôi anh ăn học, anh cố gắng làm thêm để đỡ một phần cho Thiêng, cũng như nuôi hai em nhỏ ở nhà. Trong lúc đó, ở nhà ngoài giờ đi học, hằng ngày Thang vẫn cố gắng làm phụ bốc vác thuê cho chủ cửa hàng bia để kiếm thêm tiền đi học, cố gắng đậu tốt nghiệp để đợi anh Thiêng về cùng lai kinh ứng thí. “Giờ được đi thi ĐH xem như đã thực hiện được một nửa ước mơ” - Thiêng cười tươi tâm sự.
TIẾN LONG
Theo Tuoitre