Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin bất động sản 14/5: Hơn 780 ha đất sẽ được Đồng Nai đấu giá

2.400 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp sẽ được tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng tới đây; cân nhắc đầu tư đường song hành hai bên vành đai 3 và 4 do chi phí cao… sẽ là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hơn 780 ha đất sẽ được Đồng Nai đấu giá

UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo với tổng diện tích hơn 780 ha, thuộc 105 thửa đất tại các huyện, thành phố.

Đồng Nai sẽ đấu giá hơn 780 ha đất

Số tiền từ đấu giá đất ước tính theo Bảng giá đất Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024 là hơn 12.900 tỷ đồng, sẽ được tỉnh đầu tư phát triển các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 40 khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng/khu trở lên và 65 khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu.

Với những khu đất có giá trị lớn, tỉnh sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đấu giá. Còn những khu đất diện tích nhỏ, giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu sẽ giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố tổ chức đấu giá.

Riêng trong năm 2022, Đồng Nai dự tính sẽ đưa ra đấu giá khoảng 15 khu đất có diện tích gần 160 ha, giá ước tính hơn 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số khu đất đưa ra đấu giá trong năm nay có nhiều lợi thế nên rất được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chú ý, khả năng sẽ thu về số tiền nhiều hơn so với giá khởi điểm. Trong 2 năm gần đây, một số khu đất lợi thế của Đồng Nai đưa ra đấu giá đã thu về trên 50 tỷ đồng/ha.

2.400 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp sẽ được tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng tới đây

Picture 3

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1569/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa (tại MBQH khu ở và dịch vụ thuộc khu đô thị bắc cầu Hạc) với tổng vốn đầu tư 3.721 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, GPMB).

Dự án được đầu tư nhằm cụ thể hóa điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu ở và dịch vụ thuộc khu đô thị bắc cầu Hạc, phường Nam Ngạn (TP.Thanh Hóa); đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp trên địa bàn; huy động được nguồn vốn đầu tư của các tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án nhà ở xã hội phường Nam Ngạn có diện tích 28.002,9m2; trong đó: khu A có diện tích 14.097,6m2; khu B có diện tích 13.905,3m2. Cả 2 khu vực này sẽ xây dựng 2 khối nhà nhà ở (khoảng 2.400 căn hộ), mỗi khối nhà cao 25 tầng đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy hoạch phê duyệt.

Thời hạn hoạt động là 50 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất); người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 05 năm (kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư).

Cân nhắc đầu tư đường song hành hai bên vành đai 3 và 4 do chi phí cao

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án. Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ (quy mô 4 làn xe, mặt đường 17 m, mặt cầu 17,5 m và không có hai làn dừng xe khẩn cấp) chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn về quy mô đầu tư phân kỳ này.

Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến... để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án.

https://cdn.vietnammoi.vn/1881912202022777/images/crawl-20220513073606881.png?width=700
 Sơ đồ mạng lưới vành đai Hà Nội. (Đồ họa: Đức Bùi).

Đồng thời, ông Thanh cho biết, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành rất lớn (35-54,5m), tương đồng với quy mô đường đô thị theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104 : 2007 về đường đô thị và chủ yếu phục vụ cho việc phát triển không gian đô thị.

Hơn nữa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đường vành đai này không bao gồm các đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ đường song hành là đường đô thị.

Về tốc độ thiết kế, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác (80 km/h) đối với dự án thành phần 3 của đường vành đai 4 để tiết giảm tổng mức đầu tư. Ông Thanh đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm được tiến độ, đền bù thỏa đáng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, có giải trình, thuyết minh thật thỏa đáng, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; nghiên cứu, tính toán nguồn vốn sao cho phù hợp, cân đối các nguồn lực, đánh giá năng lực các nhà thầu… để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của các dự án.

Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đang phục hồi

Ghi nhận của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý I/2022, giá trung bình chào thuê của thị trường bán lẻ TP.HCM là 1,2 triệu đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm. Riêng với các dự án trong trung tâm thành phố, giá chào thuê ghi nhận gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng.

Bên cạnh đó, Savills Việt Nam cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, công suất cho thuê trung bình trên toàn thành phố ghi nhận ở mức cao với 92%. Sự mở rộng và gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng cũng đã tạo nên mức lấp đầy tích cực này.

 Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm TP.HCM chạm mốc gần 3 triệu đồng/m2/tháng.
 Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm TP.HCM chạm mốc gần 3 triệu đồng/m2/tháng.

Theo khảo sát của Savills, đối với những mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại (TTTM) và khối đế bán lẻ, 43% diện tích đến từ ngành hàng thời trang và 25% đến từ ngành hàng ăn uống. Đặc biệt, các thương hiệu nội địa bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian dịch và chiếm 58% diện tích mặt bằng bị trả.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, nhu cầu thuê đang gia tăng trở lại với kế hoạch mở rộng khá ấn tượng. Trong đó, nhóm siêu thị đang đặt mục tiêu mở 10 cửa hàng, ngành thời trang nhanh mục tiêu 2 cửa hàng mới, các thương hiệu phụ kiện mục tiêu 8 cửa hàng mới, nhóm nhà hàng có mục tiêu 4 cửa hàng mới trong năm nay…

Ngoài ra, sau bối cảnh Covid-19, hàng loạt các mô hình mới đã ra đời như bếp trung tâm và nhiều cửa hàng phân phối vệ tinh xung quanh, hay cửa hàng tích hợp đa thương hiệu, đặc biệt là nhiều mô hình siêu thị mới như: Novamart, Fujimart,… cũng góp phần làm thị trường thuê sôi động thuê, tỷ lệ hấp thu mặt bằng dần tốt lên, giá thuê cũng đỡ chịu áp lực.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: