Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin bất động sản 16/3: Thách thức trong năm 2022 mà bất động sản sẽ đối mặt

Bản tin bất động sản 16/3 nổi bật với các thông tin sau đây: bất động sản đối mặt với những thách thức trong năm 2022; Bộ Xây dựng yêu cầu xác định danh mục dự án nhà ở;…

Bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức này trong năm 2022

Thách thức của bất động sản trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động - Ảnh 1.
Thị trường bất động sản năm 2022 đan xen giữa thách thức và cơ hội. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II diễn ra mới đây,  TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tương đối nhanh, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.  

Dù có rất nhiều động lực nhưng theo vị này, trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức. Theo đó, các rủi ro bên ngoài bao gồm rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga - Ukraine); giá cả, lạm phát còn tăng mạnh; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp; dịch bệnh còn phức tạp; sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát tăng; nợ xấu tăng; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn,...

Ông Lực nhận định, chiến sự Nga – Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1,1 - 1,3 điểm %, lạm phát (CPI) tăng 0,8 - 1 điểm %, ghi nhận hơn 4%.

Thách thức của bất động sản trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động - Ảnh 2.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Reatimes).

Từ những phân tích về kinh tế vĩ mô, vị chuyên gia này cũng đưa ra những bệ đỡ cho thị trường bất động sản năm 2022 như gói phục hồi kinh tế, đầu tư công,...

Cụ thể, theo ông Lực, nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023 (ban hành tháng 12/2021).

Về đầu tư hạ tầng giao thông 2021 - 2025, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư là 147.000 tỷ đồng (120.000 tỷ đồng cân đối từ kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025, còn lại từ Chương trình phục hồi) đang được đẩy mạnh triển khai; đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình phục hồi 2022 - 2023 (113.550 tỷ đồng); các chương trình đầu tư công khác (sân bay, cầu cảng, nông thôn mới...).

Vị chuyên gia này cho biết thêm, trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 12% với tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ của nền kinh tế (cho vay nhà ở chiếm 65% tương đương 1,3 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản; vốn tư nhân và vốn FDI đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt; lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành gấp 3 lần năm 2020.

Về thách thức đối với thị trường bất động sản, theo ông Lực, nguồn cung hiện nay chưa thể dồi dào ngay. Giá năng lượng, nguyên vật liệu ghi nhận tăng nhanh (trong hai tháng đầu năm tăng 2%).

Bộ Xây dựng yêu cầu xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở

https://image.bnews.vn/MediaUpload/Org/2020/05/23/085305-thi-truong-bat-dong-san-dang-thieu-san-pham-nha-o-binh-dan-gia-thap.jpg
Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị có nhà ở. 

Tuy nhiên, qua tổng hợp của Bộ Xây dựng hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa kịp thời phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, KonTum, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thậm chí, một số địa phương chưa phê duyệt chương trình phát triển nhà ở mà đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở như TP. Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Trà Vinh...

Trong khi đó, theo quy định thì Chương trình phát triển nhà ở là căn cứ để xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở.
Bên cạnh đó, một số địa phương như Hải Dương, Nghệ An, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng, Vĩnh Long,… đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở nhưng nội dung lại chưa đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 hoặc có thời hạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các nội dung trong Chương trình phát triển nhà ở áp dụng cho giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng đó, trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ quy định tại Nghị định số 99 và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Nội dung Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg (xây dựng các mục tiêu, nhóm giải pháp phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở tương ứng với các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chiến lược).

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh không xây dựng định hướng hoặc tầm nhìn của Chương trình mà xây dựng nội dung cụ thể của Chương trình để áp dụng cho giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021-2030).

Về Kế hoạch phát triển nhà ở, đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 nhưng chưa xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) trong 6 tháng đầu năm 2022.

Với các địa phương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021-2025) thì đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo đúng yêu cầu của pháp luật nhà ở.

Quảng Ngãi: Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất, đề xuất đầu tư nhiều dự án lớn

Theo đó, khu vực Vạn Tường - Bình Châu và Lý Sơn là có nhiều nội dung thay đổi, điều chỉnh và bổ sung.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất lần này, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều kiến nghị, đề xuất có liên quan.

Cụ thể, về phát triển đô thị, cần bổ sung thêm một số mục tiêu phát triển như Lý Sơn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trong giai đoạn 2030 - 2035, Tịnh Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và trở thành thị trấn trong giai đoạn 2025 - 2030.

Khu kinh tế Dung Quất/Ảnh internet
Đối với khu vực đô thị Vạn Tường - Bình Châu (và một phần Lý Sơn), mặc dù phương án quy hoạch đã có nghiên cứu giữ lại một số khu dân cư hiện trạng mật độ cao nhưng với ý tưởng quy hoạch mang tính mạnh mẽ và táo bạo sẽ không thể tránh khỏi việc phải di dời, giải tỏa một lượng lớn dân cư.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, vấn đề này cần phải được rà soát, thống kê, phân tích đánh giá kỹ các ưu nhược điểm để hoàn chỉnh và lựa chọn được phương án quy hoạch tối ưu; gắn liền với sự chuẩn bị quy hoạch bố trí các khu tái định cư, kế hoạch triển khai thực hiện hợp lý.

Về định hướng quy hoạch Lý Sơn theo hướng lấn biển, thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, tổ chức không gian và phân khu chức năng, phát triển thành một đô thị du lịch biển hiện đại,... là ý tưởng rất mới và khác biệt so với trước đây.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng, các vấn đề, yếu tố nảy sinh có khả năng tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững Lý Sơn cần phải được phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp giảm thiểu đầy đủ trong nội dung đánh giá môi trường chiến lược.

Bên cạnh đó, với vai trò, vị thế và tiềm năng phát triển của KKT Dung Quất, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí ít nhất 1 sân golf trong khu vực để phục vụ nhu cầu trong tương lai, nhưng phương án quy hoạch chung điều chỉnh lần này chưa thể hiện rõ.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thông tin đến UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc chỉnh sửa, hoàn thiện đồ án quy hoạch theo các nội dung cụ thể đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Thông báo số 600/TB-UBND ngày 26/11/2021 và các văn bản có liên quan.

Đơn cử như, đối với phần diện tích tại KCN phía Tây Dung Quất (khoảng 835 ha thuộc các xã Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Nguyên), Công ty Cổ phần Bamboo Capital đề xuất đầu tư Khu đô thị - dịch vụ hậu cần Nam Sân bay Chu Lai, đã được nghiên cứu cập nhật, bổ sung vào đồ án quy hoạch chung (đất đô thị, đất hỗn hợp).

Đối với khu vực Đông Bắc của KKT Dung Quất, phía Nam đường Trì Bình - Dung Quất hiện hữu (khoảng 300 ha thuộc các xã Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị), Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất dự án nhà máy sản xuất hợp kim sắt, tư vấn đã cập nhật, bổ sung được quỹ đất công nghiệp khoảng 85 ha.

Đối với khu vực Đông Bắc của KKT Dung Quất, nằm giữa đường quốc lộ 24C và đường Võ Văn Kiệt (khoảng 79 ha thuộc xã Bình Thuận), Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất thực hiện các ngành công nghiệp phụ trợ ngành thép, tư vấn đã cập nhật, bổ sung chức năng quy hoạch là đất công nghiệp.

Tại khu vực tiếp giáp KCN Bình Hòa - Bình Phước (khoảng 361 ha), Công ty Cổ phần Ống thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất dự án khu công nghiệp Hòa Phát mở rộng, cũng đã được tư vấn cập nhật, bổ sung được quỹ đất công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước I khoảng 620 ha, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của Hòa Phát.

Riêng khu vực xã Bình Dương (khoảng 128 ha), Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất quy hoạch làm khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư và nhà ở cho người lao động, thì tư vấn giữ lại quy hoạch đất cây xanh. Bởi lẻ, vùng đất này nằm trong vùng trũng, thường xuyên ngập nước và Hòa Phát cũng đã có văn bản xin rút lui, không đầu tư tại khu vực này.

Thay thế 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa có quyết định về việc công bố 2 thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thuộc phạm vị chức năng quản lý nhà nước của Bộ này theo Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Trong số này có một thủ tục hành chính cấp Trung ương là Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư theo quy định của Luât Kinh doanh bất động sản năm 2014. Cùng đó là thủ tục hành chính cấp tỉnh là Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư có thời hạn giải quyết 45 này kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và đối tượng thực hiện là chủ đầu tư các dự án bất động sản. Cơ quan có thẩm quyền quyết định là Thủ tướng Chính phủ và cơ quan trực tiếp thực hiện là UBND cấp tỉnh. Đối với thủ tục hành chính cấp tỉnh thì thời hạn giải quyết là 30 ngày.
Yêu cầu, điều kiện chung khi thực hiện thủ tục hành chính này là chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, nội dung dự án.

Nếu là tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có các điều kiện như: thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của luật về hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp); phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản)...
Các thông tin công bố gồm: về doanh nghiệp (tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện pháp luật); bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định; thông tin về thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có; số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh; số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.

Tiến Hoàng (tổng hợp)
Theo KTDU

Từ khóa: